Australia đã chính thức trở thành nhà xuất khẩu số một thế giới về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), với tổng sản lượng 77,5 triệu tấn, thu về khoảng 49 tỷ AUD (tương đương 33,32 tỷ USD), trong năm 2019.
Báo cáo từ Công ty tư vấn quốc tế EnergyQuest cho biết Australia đã chính thức “soán ngôi” của Qatar, quốc gia vốn luôn đứng cao nhất trong lĩnh vực xuất khẩu LNG của thế giới trong rất nhiều năm qua.
Theo nhà sáng lập EnergyQuest, Graeme Bethune, đây là lần đầu tiên Australia vượt qua Qatar trong lĩnh vực xuất khẩu LNG.
[10 xu hướng quan trọng nhất trên thị trường dầu mỏ năm 2020]
Thông qua việc đánh giá 10 dự án đã được triển khai trong năm 2019, trong đó nổi bật nhất là dự án khai thác LNG của Tập đoàn Shell ở ngoài khơi bờ biển Prelude, phía Tây bắc của Australia, năng lực xuất khẩu LNG của Australia ở mức 87,8 triệu tấn.
Điều đó cho thấy Xứ Chuột túi vẫn còn khả năng nâng cao hơn nữa xuất khẩu LNG, mà không cần đầu tư xây dựng thêm các cơ sở khai thác, nhà ga vận chuyển LNG...
Ông Bethune nhận định Australia đã từng vượt Qatar về xuất khẩu LNG của một vài tháng, nhưng đây là lần đầu tiên quốc gia này chính thức "soán ngôi vương," trở thành nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới tính trung bình trong cả một năm.
Doanh thu xuất khẩu LNG của Australia đã tăng mạnh lên gần 50 tỷ AUD từ mức 9,4 tỷ AUD vào năm 2010, khi LNG bắt đầu phát triển bùng nổ tại quốc gia lớn nhất châu Đại Dương, với hàng trăm tỷ AUD đầu tư vào rất nhiều các dự án khai thác khác nhau.
Giá xuất khẩu LNG trung bình năm ngoái của Australia là 11,51 AUD (tương đương 7,82 USD)/gigajoule, cao gần gấp đôi so với giá khí đốt truyền thống trong nước.
EnergyQuest dự đoán nước này đã thu lãi hàng trăm tỷ AUD đóng góp vào ngân sách quốc gia và làm giàu cho các doanh nghiệp kinh doanh khai thác LNG.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng thế giới hàng năm trong giai đoạn 2014-2020 sẽ tăng khoảng 410 tỷ m3, trong đó Mỹ, Qatar và Australia sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất, với mức tăng trưởng chiếm khoảng 90% tổng lượng tăng trên toàn cầu./.