Nguy cơ tiềm ẩn

Australia thoát Quốc hội "treo," nguy cơ vẫn tiềm ẩn

Dù đã giành quyền lập chính phủ nhưng đa số mong manh khiến việc thực hiện cam kết bầu cử của Công đảng Australia khó khăn hơn.
Thế bế tắc chính trị do tình trạng Quốc hội "treo" sau cuộc tổng tuyển cử ngày 21/8 ở Australia đã được khai thông bằng quyết định ủng hộ Công đảng cầm quyền của các hạ nghị sĩ độc lập đại diện cho những khu vực bầu cử ở vùng nông thôn.

Việc này mở đường cho Thủ tướng Julia Gillard đứng ra thành lập chính phủ thiểu số do có thể hội đủ 76 ghế cần thiết trong Hạ viện gồm 150 ghế.

Bà Julia Gillard, 49 tuổi, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Australia sau "cuộc đảo chính không đổ máu" trong nội bộ Công đảng hồi cuối tháng 6, khiến người tiền nhiệm Kevin Rudd phải đột ngột từ chức.

Chưa đầy một tháng sau, bà Gillard đã vội vã tuyên bố tổ chức bầu cử nhằm tận dụng những ưu thế ban đầu trước liên đảng Tự do-Dân tộc đối lập của thủ lĩnh Tony Abbott sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri có ấn tượng với vị nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước.

Thế nhưng, ưu thế dẫn trước của Công đảng đã bị mất đi sau những gì ông Abbott đạt được trong cuộc vận động tranh cử kéo dài kéo dài 6 tuần, dẫn đến việc không có bên nào giành được đa số cần thiết tại Hạ viện để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ và phải phụ thuộc vào ý chí của các hạ nghị sĩ độc lập cũng như đảng Xanh.

Trong 17 ngày "nóng bỏng" vừa qua, các hạ nghị sĩ độc lập và đảng Xanh đã liên tiếp đưa ra những yêu cầu để "mặc cả" với cả hai phe và kết quả là Quốc hội Australia khóa mới sẽ phải trải qua một cuộc rà soát lớn mà sẽ mang lại cho tính độc lập cao hơn cho Chủ tịch Hạ viện cũng như những thẩm quyền mới cho các ủy ban của Quốc hội.

Sau những cuộc vận động ráo riết trong hậu trường, bà Gillard nhận được sự ủng hộ từ Hạ nghị sĩ đầu tiên của đảng Xanh và ba nghị sĩ độc lập là Andrew Wilkie, Tony Windsor và Rob Oakeshott, trong khi liên đảng đối lập chỉ thuyết phục được một hạ nghị sĩ độc lập là ông Bob Katter từ tiểu bang Queensland.

Phát biểu trước báo chí tại thủ đô Canberra ngày 7/9, bà Gillard cho biết để đổi lấy sự ủng hộ của hai nghị sĩ độc lập, Công đảng đã cam kết đầu tư 9,9 tỷ AUD (9,08 tỷ USD) cho các vùng miền của Australia, tập trung vào lĩnh vực y tế và giáo dục.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ thành lập một Quỹ Y tế và Bệnh viện trị giá 1,8 tỷ AUD (1,65 tỷ USD) dành riêng cho các khu vực xa xôi nước này. Quyết định ủng hộ Công đảng vào phút chót của hai nghị sĩ độc lập là một đòn mạnh đối với thủ lĩnh đối lập Abbott, người đã tiến rất gần đến chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang ngày 21/8 vừa qua.

Trong khi đó, bà Gillard tránh được nguy cơ trở thành một trong những thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử Australia và sẽ dẫn dắt Công đảng kiểm soát Quốc hội khoá 43 của "xứ sở chuột túi".

Liệu Australia sẽ có một Chính phủ ổn định?


Bà Gillard tuyên bố Công đảng đã chuẩn bị thành lập một chính phủ ổn định và hoạt động hiệu quả trong ba năm tới, với "mục đích duy nhất là phụng sự nhân dân Australia."

Theo bà Gillard, Công đảng sẽ áp dụng các chuẩn mực cao hơn về sự minh bạch, cải cách - tinh thần mà bà sẽ hướng tới khi thực hiện nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới. Cụm từ "chính phủ ổn định" cũng là câu cửa miệng trước báo giới của những người nắm cán cân quyền lực trên chính trường Australia nhằm tránh một cuộc bầu cử mới "hao tiền, tốn của" mà cử tri không mấy thích thú.

Nhiệm vụ đầu tiên của bà Gillard là phải chọn ra được các bộ trưởng tài chính và quốc phòng mới, cũng như quyết định công việc sẽ trao cho người tiền nhiệm Kevin Rudd như đã hứa.

Bà Gillard cũng sẽ phải tiếp tục những chính sách gây nhiều tranh cãi của Công đảng là "siêu thuế" đánh vào ngành khai mỏ, kế hoạch đầu tư 33 tỉ AUD vào mạng lưới Internet băng thông rộng và dự định tiếp tục kế hoạch buôn bán hạn ngạch khí thải (ETS) bị bỏ dở dưới thời ông Rudd.

Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Abbott đã bày tỏ thất vọng trước kết quả chung cuộc và tuyên bố chính phủ mới sẽ bị lật đổ nếu hoạt động một cách kém cỏi.

Trên lý thuyết, chỉ cần một nghị sĩ thay đổi sự ủng hộ thì chính phủ Công đảng sẽ sụp đổ, mặc dù cả hai hạ nghị sĩ Oakeshott và Windsor đều nói rằng ưu tiên hàng đầu của họ là đứng về phía có khả năng nhất trong việc thành lập một chính phủ ổn định trong suốt nhiệm kỳ 3 năm.

Giới phân tích cho rằng khi Công đảng cầm quyền tái cử, Thủ tướng Gillard sẽ phải đối mặt với một Quốc hội "khó nhằn" hơn, với số lượng nghị sĩ Công đảng giảm ở Hạ viện và một Thượng viện có cán cân quyền lực phụ thuộc vào đảng Xanh đang lớn mạnh hơn.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chính sách trong tương lai của Công đảng như "siêu thuế" đánh vào ngành khai mỏ và hành động đối phó với sự biến đổi khí hậu, khả năng mà chính bà Gillard đã thừa nhận khi nói rằng đa số mong manh mới giành được có thể sẽ khiến cho việc thực hiện những cam kết bầu cử trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, dư luận báo chí cho rằng trước mắt chưa có nguy cơ chính phủ mới sụp đổ nhanh chóng và cử tri Australia sẽ phải đi bầu cử trước thời hạn, cho dù Chính phủ Công đảng sẽ phải hoạt động chật vật với một lá phiếu quá bán duy nhất./.

Ngọc Quang/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục