Ngày 4/6, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia đã công bố một nghiên cứu đột phá, giúp tạo ra các ống đỡ (stent) đầu tiên trên thế giới sản xuất bằng công nghệ in 3D.
Những stent này là thiết bị quan trọng dùng để đặt vào bên trong động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn, giúp cho máu được lưu thông.
Nhóm các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm số 22 của CSIRO đã tạo ra công nghệ đột phá này nhờ quy trình nung chảy bằng tia laser có chọn lọc - một quy trình in 3D cho phép tạo ra các sản phẩm phức tạp với độ chính xác hình học cao. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với các bệnh nhân vì với công nghệ này, ngay trên bàn mổ, các bác sỹ có thể chỉ đạo chế tạo ra một loại stent hoàn toàn phù hợp với bệnh nhân.
Cho đến nay các ống stent được sử dụng trong các ca phẫu thuật chỉ giới hạn trong những mẫu bán lẻ có sẵn mà không theo yêu cầu của bệnh nhân. Việc có thể chế tạo stent tại chỗ dưới sự chỉ định của bác sỹ phẫu thuật được kỳ vọng sẽ cải thiện những lựa chọn về kích thước, cách thức bảo quản thiết yếu trong giải phẫu và cho phép các ống stent có đường kính hay hình thù đa dạng hơn, phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân.
[Tái tạo khuôn mặt bằng cách sử dụng công nghệ máy in 3D]
Theo CSIRO, các ống stent thường được làm bằng nitinol (hợp kim của titan và niken), là loại hợp kim có độ đàn hồi ưu việt nhưng rất khó để ứng dụng trong công nghệ in 3D, bởi đặc tính nhạy cảm với áp suất và nhiệt độ.
Nhóm nghiên cứu đã phải lựa chọn những thông số in 3D phù hợp nhất để tạo ra một cấu trúc mạng lưới siêu mịn dùng cho ống stent nội mạch, và có các biện pháp điều chỉnh nhiệt độ kỹ lưỡng, để ống stent sau khi đặt vào động mạch của bệnh nhân có thể mở rộng trong trường hợp cần thiết.
CSIRO đã mô tả nghiên cứu trên là một sự "chuyển đổi mô hình" cho nền công nghiệp chế tạo stent, có trị giá khoảng 11 tỷ USD. Một công ty mới đã được thành lập để giám sát khả năng thương mại hóa của công nghệ nói trên./.