Australia tăng cường thúc đẩy thương mại với châu Á

Australia vừa công bố một kế hoạch nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với khu vực châu Á để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Australia vừa công bố một kế hoạch dài hạn nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với khu vực châu Á "đang phát triển bùng nổ" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, thông qua việc gia tăng kinh doanh với Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong văn bản chính sách mới "Australia trong thế kỷ châu Á", Thủ tướng Australia, bà Julia Gillard cho biết, nước này đã được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ và đang tăng cường thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư với các nước khác trong khu vực.

Văn bản này cũng đề ra mục tiêu của Australia nhằm phát triển quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ hơn với nước láng giềng Indonesia và với nền kinh tế đang có mức tăng trưởng vượt bậc ở Ấn Độ, nơi bà Gillard đã đến thăm hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia cũng cảnh báo rằng cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu được đề ra của "Australia trong thế kỷ châu Á". Tài liệu vừa do bà Julia Gillard công bố, xác định 25 mục tiêu của Australia nhằm đón đầu sự phát triển của châu Á. Những mục tiêu này bao gồm nhiều lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục đào tạo, thương mại, an ninh và văn hóa. Một trong những mục tiêu đáng chú ý là nâng thu nhập quốc dân tính theo đầu người từ mức 62.000 đôla Australia/năm hiện nay lên mức 73.000 đôla năm 2025 và đến năm 2015 nước này sẽ đứng vào top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hội đồng kinh doanh Australia đã hồ hởi đón nhận mục tiêu này nhưng cũng cảnh báo Australia cần cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bà Jennifer Westacott thuộc hội đồng này cho biết: “Tính hiệu quả của nền kinh tế Australia cần được cải thiện. Thực sự, Australia cần cải thiện việc lập kế hoạch và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta cần có kế hoạch ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia; tìm thêm những phương cách nhằm khuyến khích sự đầu tư của khu vực tư nhân, đồng thời cần chú ý đầu tư hệ thống cảng và vận chuyển hàng hóa; xây dựng các quy hoạch quan trọng trong những khu vực tăng trưởng mạnh”. Australia cũng cần thay đổi hệ thống thuế quan, cải thiện quan hệ hành chính trong lĩnh vực này cùng nhiều vấn đề khác.

Thủ tướng Gillard nói rằng châu Á không chỉ là nơi sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất, mà cũng là nơi tiêu thụ nhiều nhất và khuyến nghị Australia đón đầu cơ hội nhu cầu hàng hóa tăng ở châu Á do sự tăng trưởng của dân số và thực tế là người châu Á đang giàu có hơn.

Liên đoàn Nông dân Quốc gia (NFF) của Australia cho rằng, cần phát triển một số loại thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người châu Á. Chủ tịch NFF, ông Jock Laurie, nói rằng tổ chức của ông mong chính phủ tiếp tục thúc đẩy các sản phẩm của quốc gia này tiếp cận hiệu quả hơn vào thị trường châu Á. Ông Laurie khẳng định, quan trọng nhất là chính phủ tiếp tục nỗ lực khai phá thị trường mới; đảm bảo cơ sở hạ tầng hỗ trợ hiệu quả cho xuất khẩu. Ông cũng nhận định rằng xuất khẩu của Australia đang gặp khó do hệ thống hạ tầng đường sắt và đường bộ chưa phát huy hiệu quả.

Australia là thành viên của diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gồm 21 nước và cũng nằm trong số 11 quốc gia tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cả hai vấn đề này đều nhằm mục đích tự do hóa thương mại khu vực. Kể từ đầu những năm 1970, khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, Australia đã cố gắng làm sâu sắc thêm các mối quan hệ nhằm hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á. Kể từ đó, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Australia, vượt qua Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc./.

Vân Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục