Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo sẽ không áp dụng trong vòng 1 tuần lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước này trở về từ Ấn Độ.
Theo đó, Chính phủ Australia sẽ tổ chức 3 chuyến bay hồi hương trong khoảng thời gian từ 15-31/5 tới để đón khoảng 900 công dân nước này thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất từ Ấn Độ về nước.
Thủ tướng Morrison cho biết thêm chưa rõ thời điểm nước này sẽ nối lại các chuyến bay thương mại đi và tới Ấn Độ.
Trước đó, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, bao gồm cả công dân nước này. Lệnh cấm này đi kèm quy định phạt tiền hoặc phạt tù những đối tượng cố tình đến Australia thông qua một nước thứ ba.
Theo ông Morrison, biện pháp siết chặt này đã phát huy hiệu quả và giúp đảm bảo ngăn chặn làn sóng dịch thứ ba tại nước này.
[UAE và Australia cấm nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ]
Cùng ngày, Bộ trưởng Du lịch Australia Dan Tehan thông báo nhiều khả năng nước này sẽ không tiếp nhận du khách nước ngoài cho đến cuối năm 2022. Theo ông Tehan, diễn biến dịch tại Ấn Độ cho thấy lệnh cấm nhập cảnh hiện nay của Australia là yếu tố quan trọng nhằm giúp nước này tránh một làn sóng dịch mới.
Ông cho rằng rất khó để xác định thời điểm mở cửa trở lại đường biên giới, trường hợp khả quan nhất có thể vào giữa năm sau.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Australia tiếp nhận khoảng 1 triệu du khách mỗi tháng, và hiện con số này giảm xuống còn khoảng 7.000 khách. Ước tính, việc đóng cửa biên giới trong gần 3 năm sẽ khiến ngành du lịch Australia thiệt hại 40 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales, Australia khẳng định đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh sau khi ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên tại bang này sau hơn 1 tháng qua.
Giới chức y tế bang cho hay đã không phát hiện thêm ca mắc mới nào trong vòng 24 giờ qua sau khi tiến hành 13.000 xét nghiệm COVID-19 tại bang này, xoa dịu mối quan ngại về sự bùng phát mới.
Tuy vậy, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian nhấn mạnh người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội mới./.