Ngày 15/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố khoản tài trợ mới, trị giá 2 triệu AUD (gần 1,4 triệu USD) để giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó với sự cố tràn dầu và các sự kiện ô nhiễm hàng hải khác.
Khoản tài trợ này được công bố trong bối cảnh Australia và các quốc đảo Thái Bình Dương đang mâu thuẫn về các điều khoản chống biến đổi khí hậu.
Khoản tài trợ trên được thông báo trong buổi thảo luận cuối cùng về những điều khoản liên quan tới khai thác than đá và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ 18 tại Tuvalu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Australia cũng tiết lộ về khoản đầu tư kỷ lục của Australia 377 triệu USD vào ngành năng lượng tái tạo, cam kết giảm sự phụ thuộc vào than đá và theo đuổi mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc đảo ở Thái Bình Dương cho rằng mức đầu tư này chưa đủ.
Tương tự, New Zealand thông báo sẽ giải ngân một nửa trong khoản kinh phí 193 triệu USD mà nước này dành cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại Thái Bình Dương.
Tháng Bảy vừa qua, tại Diễn đàn Phát triển các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra tại Fiji, các đảo quốc trong khu vực đã cùng ký tuyên bố chung, có tên gọi là Tuyên bố Vịnh Nadi, về khủng hoảng biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương.
[Các đảo đá ngầm ở Thái Bình Dương thích ứng tốt với thay đổi khí hậu]
Tuyên bố đề nghị giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và ngừng ngay lập tức trên phạm vi toàn cầu các hoạt động khai thác than, xây mới các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá và nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng nguyên liệu than trong ngành điện. Tuyên bố này đã trở thành khởi điểm cho các cuộc thảo luận dự thảo thông cáo chung tại diễn đàn năm nay.
Giới phân tích cho rằng cuộc thảo luận tại Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ 18 sẽ bị kéo dài là do Thủ tướng Australia khẳng định sẽ không chấp nhận các mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà các quốc đảo đề xuất. Ông Morrison tuyên bố Australia sẽ tuân thủ các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà nước này ký vào năm 2016, trong đó quy định mức tăng nhiệt độ không quá 2 độ C.
Australia có hai mỏ than mới sẽ sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, chính phủ của ông Morrison đang cân nhắc bảo lãnh cho một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than khác ở bang Queensland để tăng khả năng cấp điện cho khu vực. Chính vì vậy, các khoản tài trợ mà Australia công bố tại diễn đàn được xem như nhằm xoa dịu sự tức giận của các quốc đảo Thái Bình Dương và kêu gọi các nước tham gia rút các điều khoản hạn chế về chống biến đổi khí hậu ra khỏi tuyên bố chung.
Chia sẻ bên lề diễn đàn, Thủ tướng Tuvalu Enele Sopoaga cho biết “rất đáng tiếc” nếu Australia giảm bớt các nội dung trong thông cáo chung, đồng thời nhấn mạnh quốc gia này là đối tác quan trọng của Thái Bình Dương. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 14/8 cho biết Australia cần có câu trả lời cho Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu.
Các nước quốc đảo ở Thái Bình Dương đang ở vị trí tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với cấu tạo địa hình thấp, các nước này đang đối mặt với tình trạng mực nước biển giảm và một số biến đổi thời tiết khác khiến cho người dân phải tái định cư đến các vùng cao hơn./.