Australia: Sydney đối mặt tình trạng khẩn cấp y tế do khói mù

Cơ quan Y tế NSW thông báo số người cấp cứu tại bệnh viện vì các vấn đề hô hấp trong tuần tính tới ngày 11/12 đã tăng 48% so với mức trung bình 5 năm.
Khói bụi từ các đám cháy rừng bao phủ thành phố Sydney. (Ảnh: THX/TXTVN)

Ngày 16/12, các tổ chức y tế cảnh báo Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do khói mù từ các đám cháy rừng bao phủ thành phố này nhiều tuần qua khiến số bệnh nhân tới thăm khám tại bệnh viện tăng mạnh.

Hàng trăm đám cháy rừng diễn biến nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu đã xảy ra trên toàn Australia trong vài tháng qua, trong đó một đám cháy rất lớn tại vùng phía Bắc của Sydney đã thiêu rụi một số nhà ở trong đêm 15/12 và các đám cháy gần thành phố Perth cũng đe dọa các thị trấn. 

Hơn 20 tổ chức y tế, trong đó có Cao đẳng dược Hoàng gia Australia - đại diện cho 25.000 bác sỹ và học viên - đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Australia giải quyết vấn đề không khí độc hại đang bao phủ thành phố này.

Liên minh Khí hậu và Y tế cho rằng ô nhiễm không khí ở bang New South Wales đang ở mức khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Các đám cháy khiến không khí tại một số vùng của Sydney và NWS ô nhiễm cao gấp 11 lần mức "độc hại." Các đám khói từ cháy rừng đặc biệt độc hại vì có nồng độ bụi mịn PM2.5 rất cao.

[Australia: Tàn tro do cháy rừng làm ô nhiễm nguồn nước ở Sydney]

Cơ quan Y tế NSW thông báo số người cấp cứu tại bệnh viện vì các vấn đề hô hấp trong tuần tính tới ngày 11/12 đã tăng 48%  so với mức trung bình 5 năm. Số người tới thăm khám tại bệnh viện tăng 80% trong ngày 10/12 khi chất lượng không khí trên toàn Sydney sụt giảm mạnh. Một ngày sau đó, khoảng 20.000 cư dân tại thành phố này đã biểu tình phản đối tình trạng ô nhiễm.

Liên minh trên kêu gọi chính phủ Australia hành động khẩn cấp để cắt giảm khí thải, cho rằng biến đổi khí hậu khiến các vụ cháy rừng diễn biến nghiêm trọng hơn, kéo theo những tác động kinh khủng đối với sức khỏe con người.

Do biến đổi khí hậu, các đợt ô nhiễm không khí do cháy rừng sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, chính phủ cần hành động nhanh chóng để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu, một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Sáu người đã thiệt mạng, hơn 700 ngôi nhà bị phá hủy và ít nhất 3 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong mùa cháy rừng 2019 tại Australia.

Các đám cháy xảy ra với tần suất ngày càng dày và tác động ngày càng mạnh khiến dư luận quan tâm hơn tới biến đổi khí hậu, đặc biệt sau khi giới khoa học khẳng định mùa cháy rừng năm nay đến sớm hơn và nghiêm trọng hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ngày 16/12, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg chỉ ra cháy rừng và hạn hán là các thách thức trong nước lớn nhất đối với nền kinh tế nước này.

Ông cho biết hạn hán đã làm giảm 0,25 điểm % tăng trưởng GDP của quốc gia này và giảm đáng kể sản lượng nông nghiệp trong hai năm qua. Các dữ liệu chính thức cho thấy năm 2019 sẽ là một trong những năm nóng và khô hạn nhất lịch sử Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục