Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 23/2, Australia thông báo Facebook sẽ dỡ bỏ biện pháp hạn chế người dùng tại nước này chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Australia.
Động thái trên diễn ra sau khi chính phủ nước này đồng ý sửa đổi bộ quy tắc bắt buộc các hãng công nghệ lớn như Facebook và Google trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Australia, trừ khi hai bên chủ động ký kết thỏa thuận về vấn đề này.
Tuần trước, phản ứng trước việc Chính phủ Australia thúc đẩy ban hành bộ quy tắc trên, Facebook đã chặn người dùng ở nước này chia sẻ hoặc đăng các liên kết tới các trang tin tức.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg và Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher xác nhận Chính phủ Australia đã nhận được thông báo của Facebook nêu rõ ý định khôi phục sự xuất hiện các trang tin tức của Australia trên nền tảng này trong những ngày tới.
Cùng với đó, Chính phủ Australia sẽ sửa đổi Bộ quy tắc thương lượng giữa các công ty công nghệ và các tổ chức báo chí về việc trả tiền cho nội dung tin tức.
[Facebook đạt thỏa thuận để bỏ chặn các trang tin tức ở Australia]
Thông báo của Facebook nêu rõ sau các cuộc thảo luận, Chính phủ Australia đã chấp thuận thực hiện một số thay đổi và đảm bảo giải quyết những mối lo ngại chính của công ty, đặc biệt là về các thỏa thuận thương mại phải thừa nhận giá trị mà nền tảng xã hội này mang lại cho các hãng truyền thông.
Facebook khẳng định sẽ khôi phục các trang tin tức trên nền tảng cho người dân Australia trong những ngày tới.
Theo đài ABC, sửa đổi bổ sung đối với bộ quy tắc bao gồm điều khoản cho phép Facebook và các cơ quan báo chí thực hiện quá trình hòa giải trong vòng 2 tháng nếu xảy ra tranh chấp để đạt một thỏa thuận riêng. Nếu sau 2 tháng hòa giải không đạt kết quả, Chính phủ Australia mới được chỉ định một bên trọng tài can thiệp. Việc đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài phân xử là vấn đề cả Google và Facebook đều phản đối.
Một điểm sửa đổi khác nữa là Chính phủ Australia sẽ phải thông báo trước cho một nền tảng công nghệ nếu quyết định áp dụng bộ quy tắc đối với nền tảng này và phải xem xét tất cả các thỏa thuận mà công ty sở hữu nền tảng này đã ký kết và thực hiện.
Phát biểu với truyền thông Australia, ông Frydenberg cho biết Facebook sẽ tiến hành các cuộc đàm phán một cách thiện chí với các tổ chức báo chí Australia và bày tỏ hy vọng hai bên sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác.
Dù cũng phải chịu sự điều chỉnh của bộ quy tắc, nhưng Google đã có cách ứng phó mềm dẻo hơn. Cho đến nay, công ty này đã đàm phán và ký kết thỏa thuận nội dung tin tức với hơn 50 hãng truyền thông lớn của Australia, trong đó có Seven West Media, Nine, News Corp và Guardian, để hiển thị tin tức trên sản phẩm Google News Showcase.
Facebook cũng có ý định triển khai dịch vụ Facebook News tương tự như News Showcase ở Australia nhưng cho đến nay chưa ký bất kỳ thỏa thuận nào với các cơ quan báo chí nội địa nào do vẫn còn những lo ngại về Bộ quy tắc./.