Australia: Số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại bang Victoria tăng cao

Chỉ trong 24 giờ, bang Victoria của Australia đã ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới thêm 191 ca - mức tăng hàng ngày cao nhất từ khi đại dịch bùng phát.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 1/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 1/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, truyền thông ngày 7/7 đưa tin bang Victoria của Australia ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới là 191 ca trong 24 giờ qua, mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Australia.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Melbourne thông báo sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa thành phố lớn nhất bang Victoria với hơn 5 triệu dân này trong 6 tuần từ nửa đêm 8/7 sau khi số ca mắc tại đây đang tăng nhanh trở lại.

Như vậy, đa số các học sinh sẽ trở lại với phương pháp học từ xa trong khi các nhà hàng và quán càphê sẽ bị hạn chế phục vụ đồ ăn mang về.

Trước đó ngày 6/7, bang Victoria đông dân thứ hai ở Australia ghi nhận 127 ca nhiễm mới và hai ca tử vong vì COVID-19.

Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, biên giới giữa hai bang Victoria và New South Wales (NSW) đã bị đóng cửa, không cho phép cư dân thành phố Melbourne vào bang NSW từ đêm 6/7 trong khi cư dân ở các nơi khác của bang Victoria sẽ bị cấm từ đêm 7/7.

Lực lượng cảnh sát bang NSW sẽ được triển khai tại tất cả các tuyến đường bộ giữa hai bang trong khi toàn bộ hệ thống giao thông công cộng hai chiều như xe khách và tàu hỏa giữa bang Victoria và bang New South Wales cùng Khu vực lãnh thổ thủ đô (ACT) sẽ dừng hoạt động cho đến khi biên giới được mở cửa trở lại.

Không giống như thời kỳ đỉnh điểm bùng phát của đại dịch, khi nhiều ca nhiễm mới có liên quan đến công dân hồi hương từ nước ngoài, đa số các ca mắc COVID-19 trong 3 tuần qua ở bang Victoria là lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến sáng 7/7, ngoài 191 ca mắc mới được ghi nhận tại bang Victoria, Australia ghi nhận thêm 8 ca mắc COVID-19 mới bao gồm 1 ca tại bang Queensland và 7 ca tại New South Wales.

Hầu hết các ca này là người trở về từ nước ngoài và đang được cách ly tại khách sạn. Có 1 trường hợp duy nhất được xác định mắc bệnh sau khi kết thúc thời gian cách ly tại khách sạn và trở về nhà tại khu vực thành phố Newcastle, bang New South Wales.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Australia hiện là 106 ca.

Tại nước láng giềng New Zealand, chính phủ nước này bắt đầu hạn chế công dân trở về nước trong bối cảnh các công dân ồ ạt hồi hương để tránh dịch bệnh tại nước ngoài khiến các trung tâm cách ly trở nên quá tải.

Cụ thể, trong 3 tuần tới, hãng hàng không quốc gia New Zealand sẽ tạm dừng nhận đặt chỗ. Chính phủ cũng đang đàm phán với một số hãng hàng không khác để hạn chế số lượng hành khách.

New Zealand đã trải qua 67 ngày liên tiếp không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện, 22 ca mắc đều đang được cách ly tại các trung tâm dành cho những người từ nước ngoài về. Trong khi đó, gần 6.000 người đang tham gia cách ly trong 14 ngày tại các trung tâm này.

Dự kiến, New Zealand sẽ đón 3.500 người trở về nước trong tuần này. Do đó, chính phủ nước này đang nỗ lực tăng cường thêm 28 trung tâm cách ly để đáp ứng nhu cầu tăng cao sắp tới.

Đến nay, quốc gia 5 triệu dân này ghi nhận tổng cộng 1.186 ca mắc COVID-19, trong đó có 22 ca tử vong.

Cùng ngày, Chính phủ New Zealand thông báo giải ngân đợt đầu tiên của gói hỗ trợ 265 triệu NZD (174,21 triệu USD) để giúp thể thao nước nhà đối với tác động của dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Thể thao Gran Robertson, đợt giải ngân đầu tiên có trị giá 80 triệu NZD sẽ được dùng để thúc đẩy các môn thể thao đồng đội, hỗ trợ các tổ chức điều hành các liên đoàn thể thao quốc gia và nâng cấp các trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế.

[Ấn Độ vượt Nga thành nước thứ 3 bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19]

Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý Tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo về nguy cơ bùng phát các ca lây nhiễm mới trước thực tế hơn 3.000 lao động nhập cư trái phép đã bị bắt trong tháng qua khi đang tìm cách trốn vào nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan tính đến ngày 6/7 đã trải qua 42 ngày liên tiếp không khi nhận thêm ca COVID-19 nào lây nhiễm trong cộng đồng.

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết trong số những lao động di cư bất hợp pháp nói trên có một số người đã lên đường tới những tỉnh nằm sâu trong nội địa. Do đó, người phát ngôn này khuyến cáo người dân không chủ quan khi đi nghỉ trong kỳ nghỉ lễ kéo dài hiện nay vì có thể có những người nhập cư bất hợp pháp ở xung quanh.

Về kết quả cuộc khảo sát cho thấy 2/3 người dân Thái Lan cảm thấy thoải mái về tình hình COVID-19, người phát ngôn Taweesilp nói điều đó là đáng lo ngại và khuyến cáo mọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội cho đến có vaccine hiệu quả để phòng COVID-19.

Trong khi đó, nhà virus học hàng đầu của Thái Lan Yong Poovarawan kêu gọi những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh hiến thêm huyết tương để đề phòng làn sóng thứ hai của dịch bệnh.

Tiến sỹ Yong đang đứng đầu một nhóm nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn trong việc thử nghiệm tính hiệu quả của những đợt điều trị bằng huyết tương đối với các ca COVID-19 nặng nhất.

Trước đó, các bác sỹ Thái Lan đã sử dụng huyết tương của những bệnh nhân đã hồi phục, cùng với những biện pháp điều trị khác, để kích thích phản ứng miễn dịch của bệnh nhân.

Tính đến ngày 6/7, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.195 ca COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong, 3.072 người đã hồi phục và 65 bệnh nhân đang được điều trị. Những ca COVID-19 mới được ghi nhận ở Thái Lan trong hơn 40 ngày qua đều là từ công dân hồi hương đã được cách ly./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục