Chính phủ Australia vừa xác nhận đang chuẩn bị để hỗ trợ cho một sứ mệnh toàn cầu, do Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi, nhằm ngăn chặn sự gián đoạn có thể xảy ra đối với nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng hơn trên toàn cầu và căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang.
Trong thông báo vào chiều ngày 26/1, Bộ trưởng Tài nguyên Australia Keith Pitt cho biết là nhà xuất khẩu LNG đáng tin cậy và hàng đầu trên toàn thế giới, Australia sẵn sàng hỗ trợ mọi yêu cầu về nguồn cung cấp thêm loại sản phẩm này.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, trực tiếp gây ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa xuất khẩu từ Nga sang các quốc gia khác, trong đó có mặt hàng năng lượng. Nga hiện là nhà cung cấp khoảng 35% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Trong suốt một năm qua, "Lục địa già" đã phải liên tục vật lộn với tình trạng thiếu hụt khí đốt và giá nhiên liệu tăng cao "chóng mặt." Nếu giá khí đốt tiếp tục tăng, do tác động của căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Bản cập nhật kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày hôm qua dự báo giá LNG thế giới sẽ tăng 58% trong thời gian tới.
[Giá năng lượng tại châu Âu có thể cao kỷ lục nếu Nga giảm nguồn cung]
Nguồn tin từ truyền thông Australia xác nhận các quan chức Nhà Trắng, ngày 26/1, đã có các cuộc trao đổi với một số quốc gia và công ty sản xuất khí đốt lớn trên toàn thế giới, nhằm xem xét "dòng chảy toàn cầu" của nguồn nhiên liệu khí đốt, bao gồm cả ở Australia, để sẵn sàng vận chuyển hàng khẩn cấp trong vòng vài ngày tới.
Tuy nhiên, có một khó khăn lớn nhất mà Australia phải đối mặt nếu tính toán tới khả năng trở thành nhà cung cấp LNG cho châu Âu, đó là về khoảng cách địa lý tương đối xa, làm giảm khả năng vận chuyển LNG trực tiếp đến châu Âu.
Một số nguồn tin trong ngành nhiên liệu cho biết nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ có các chuyến hàng chở LNG từ Australia, với đích đến là châu Á, sẽ được chuyển hướng sang châu Âu.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Graeme Bethune, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn EnergyQuest, cho rằng mọi việc hiện vẫn chưa rõ ràng. Nếu có thêm một số chuyến hàng chở LNG từ Qatar hoặc Mỹ đến châu Âu, thì hàng hóa của Australia sẽ vẫn tiếp tục hướng vào thị trường châu Á.
Theo Tiến sỹ Bethune, Mỹ, trong cách tiếp cận với các nhà cung cấp LNG tiềm năng, rất có thể sẽ bàn thảo với các công ty năng lượng lớn, như Shell, Petronas và Total, có danh mục đầu tư LNG toàn cầu và có sự linh hoạt hơn trong việc cung cấp khí đốt từ các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Australia, về cách thức phân phối.
Ông nhận định quãng đường biển kết nối Australia và châu Âu là khá xa, vì vậy khả năng cao là Mỹ và Qatar sẽ trở thành nhà cung cấp LNG thay thế cho châu Âu và nhường thị trường châu Á cho các nhà cung cấp của Australia khai thác thêm.
Năm 2021, các nhà xuất khẩu LNG của Australia ước tính đã bán được sản lượng kỷ lục 80,9 triệu tấn, trị giá gần 50 tỷ AUD (35 tỷ USD), đưa nước này trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, vượt Qatar và Mỹ./.