Australia sẽ cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tiến gần hơn tới nỗ lực quốc tế về chống biến đổi khí hậu, theo lời kêu gọi của Liên hợp quốc và đa số các quốc gia phát triển lớn khác trên toàn cầu.
Cam kết này sẽ là một bước đột phá trong chính sách khí hậu của Australia, có khả năng tác động đáng kể tới hoạt động các doanh nghiệp, trong bối cảnh ngành năng lượng và khai khoáng đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế quốc gia.
Suốt nhiều năm qua, chính sách khí hậu luôn là vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ nền chính trị Australia. Đây cũng là một khúc mắc chính của liên minh cầm quyền, giữa đảng Tự do và đảng Quốc gia, trong hơn một thập kỷ vừa qua và làm nhiều Thủ tướng của Australia phải từ chức.
Liên quan tới cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, một số nghị sỹ đảng Quốc gia đã từng tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống mục tiêu này, vì cho rằng nó sẽ làm "xóa sổ" ngành khai thác và sản xuất than ở các khu vực nông thôn.
Trong khi đó, các nghị sỹ đảng Tự do, đại diện cho khu vực bầu cử quan trọng ở các thành phố lớn như Sydney (bang New South Wales) và Melbourne (bang Victoria), lo ngại họ sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội của cử tri nếu vấn đề biến đổi khí hậu không được xem xét một cách nghiêm túc.
[OECD ngừng cấp tín dụng xuất khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than]
Tuy nhiên, sau cuộc họp kéo dài hai tiếng vào chiều ngày 24/10, đảng Quốc gia đã tuyên bố nhất trí ủng hộ về mặt nguyên tắc mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Dự kiến trong những ngày tới, cam kết sẽ được nội các Australia thảo luận và có thể thông qua, trước khi Thủ tướng Scott Morrison lên đường tới Glasgow (Anh) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) vào ngày 28/10.
Bên cạnh cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Morrison được cho là cũng sẽ công bố một nâng cấp "đáng kể" kế hoạch hành động để cắt giảm nhiều hơn nữa khí thải carbon vào năm 2030, nhưng không xác định con số mục tiêu cụ thể.
Thủ tướng Australia cho biết nước này sẽ tiếp tục giảm lượng khí thải, trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế quốc gia phát triển, duy trì nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng và đảm bảo các địa phương phát triển vững mạnh./.