Australia sắp trở thành siêu cường năng lượng

Australia có thể vượt qua Qatar để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2017, chứ không phải tới tận năm 2030 như mọi người dự đoán.
Australia sắp trở thành siêu cường năng lượng ảnh 1Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd (trái) tại công trường xây dựng dự án khí đốt Gorgan tại đảo Barrow, ngoài khơi bờ biển Tây Australia hồi tháng 9/2009. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một báo cáo vừa công bố của ngân hàng Morgan Stanley, Australia sẽ trở thành một siêu cường về năng lượng toàn cầu vào giữa thập niên này và sẽ loại bỏ thâm hụt tài khoản vãng lai lần đầu tiên trong gần 40 năm qua.

Báo cáo cho biết Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu từ Australia có thể sắp thu được thành quả. Sự gia tăng lớn trong sản lượng LNG có thể làm thay đổi diện mạo nền kinh tế xứ sở chuột túi.

Australia có thể vượt qua Qatar để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2017, chứ không phải tới tận năm 2030 như mọi người dự đoán. Khi đó, Australia sẽ là người chơi chính trong sản xuất năng lượng toàn cầu, với LNG và xuất khẩu than đá mạnh "ngang ngửa" với xuất khẩu lõi sắt.

Tính trên toàn cầu, 2/3 sản lượng LNG giao dịch gia tăng là từ Australia. Trong khi đó, dù có thừa khí đốt tự nhiên từ các nguồn đá phiến sét, nhưng Washington sẽ phải mất 5-10 năm trước khi có thị trường xuất khẩu và cơ sở hạ tầng để tiêu thụ một lượng lớn trên thị trường thế giới. Điều này tạo cơ hội lớn cho Australia.

Canberra có thể thu lợi từ sự thiếu hụt LNG ở châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, nơi các lò phản ứng hạt nhân buộc phải đóng cửa sau thảm họa rò rỉ hạt nhân Fukushima khiến nước này phụ thuộc nặng nề vào khí đốt nhập khẩu đắt đỏ.

Từng bị coi là một ý tưởng viển vông, LNG đã nhanh chóng phát triển cùng với công nghệ mới kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Sự đột phá diễn ra khi công nghệ tuabin khí đốt và sự phát triển của khoa học khiến LNG trở nên rẻ hơn và an toàn hơn nhiều so với vận chuyển nhiên liệu trong những thùng bảo quản cồng kềnh.

Tuy nhiên, liệu Australia có dễ dàng thúc đẩy sản lượng LNG hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi.  Tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Mỹ Chevron cho biết chi phí cho dự án Gorgon LNG với Shell và ExxonMobil tại Barrow Island, ngoài khơi Tây Australia, đã tăng từ 37 tỷ AUD lên 54 tỷ AUD. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy sự thụt lùi của ngành LNG.

Dẫu sao, nếu Morgan Stanley nhận định đúng, thị phần xuất khẩu của kinh tế Australia sẽ tăng từ 20% GDP lên 22% vào năm 2016, trong đó xuất khẩu năng lượng sẽ vọt từ 10% lên 18%.

Trở lại thặng dư sẽ là một thành tựu đáng chú ý của Australia, khi nền kinh tế này đã bị thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức trung bình 4% GDP trong suốt ba thập niên qua và hiện con số này đã lên đến gần 5% GDP.

Trên thực tế, Australia là một trong vài nước còn giữ được mức đánh giá ở hạng AAA cho nền kinh tế. Vận may LNG có thể sẽ giúp Australia có thêm cơ hội để ổn định cán cân buôn bán và tăng trưởng trở lại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục