Bản cáo bạch của Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác (CRC) về Tài chính số - một đơn vị vừa được chính phủ liên bang, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương), và các công ty và trường đại học hàng đầu ở Australia thành lập trong tuần qua - đã đưa ra một kết luận đáng kinh ngạc rằng khối lượng dự phóng của “tài sản mã hóa” (tokenized asset) dự kiến sẽ tăng từ con số gần như bằng 0 hiện nay lên mức 24.000 tỷ USD vào năm 2027.
“Mã hóa tài sản” (asset tokenization) là việc tạo ra dạng kỹ thuật số của một tài sản thực tế hoặc loại tài sản hiện có trên công nghệ sổ cái phân tán với nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) làm cơ sở hạ tầng chủ đạo.
Bằng cách bơm thanh khoản vào các thị trường vốn kém thanh khoản trước đây, quá trình này cho phép nhiều tài sản thực được giao dịch hơn và tạo ra các loại tài sản có thể giao dịch được hoàn toàn mới.
Đón đầu làn sóng mã hóa trên các thị trường tài chính
Theo nhật báo The Australian Financial Review, với việc thành lập CRC về Tài chính số với khoản đầu tư 181 triệu AUD (140 triệu USD), các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý của Australia cho thấy họ đã nhận ra sự cần thiết phải chuẩn bị cho việc khai thác làn sóng mã hóa trên các thị trường tài chính.
Tờ báo tài chính hàng đầu của Australia cho biết, trong năm nay, giới đầu tư và kinh doanh tập trung sự quan tâm vào tài sản số là các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và các “mã” khác do những người chơi tư nhân tạo ra để tài trợ cho các dự án mới trên ethereum hoặc các nền tảng blockchain công cộng khác.
[Tổng thống Putin yêu cầu quan chức công bố các tài sản số]
Nhiều người đã “phát sốt” với các mã không thể thay thế (NFT) đang tạo ra các tài sản có thể giao dịch mới như các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Tháng Ba vừa qua, nhà đấu giá Christie’s đã bán một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ người Mỹ Beeple dưới dạng NFT với giá 69,3 triệu USD.
Trong khi đó, trọng tâm chính của CRC về Tài chính số là nghiên cứu vấn đề số hóa thế giới thực và tài sản hữu hình, ví dụ như hàng hóa và bất động sản. Trung tâm này cũng sẽ tìm hiểu về các loại tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương (CBDC) để đảm bảo thanh toán không rủi ro trên các sổ cái phân tán.
Khả năng chuyển dịch tài sản ngay lập tức mà không cần qua các tổ chức và cá nhân trung gian cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết cho các cơ quan quản lý và các tổ chức trung gian trong hệ thống hiện tại, bao gồm các ngân hàng và thị trường.
Các giao dịch được ngân hàng xử lý qua đêm và quá trình thanh toán cần thêm thời gian để hoàn tất. Các hệ thống tài chính trên thế giới cũng cần thời gian để cập nhật thông tin về các giao dịch.
Tuy nhiên, trong thế giới blockchain, thông tin có thể cập nhật nhanh hơn, gần như ngay lập tức, trong khi khả năng truy cập và tính minh bạch được cải thiện.
Mặt khác, nhiều tài sản tài chính hiện nay đã là tài sản số. Hầu hết các khoản tiền đã được thể hiện dưới dạng số trong tài khoản của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc mã hóa không chỉ nhắm tới tài sản tài chính ở dạng số trong tài khoản mà còn là cách thức mới để tạo ra tài sản số và thể hiện chúng giống như tài sản vật chất.
Công nghệ blockchain giúp bảo đảm phiên bản số của một tài sản không bị sao chép. Một đổi mới cốt lõi của đồng Bitcoin chính là việc sổ cái, được bảo mật bằng mật mã, ngăn chặn khả năng chi tiêu kép.
Cũng theo nhật báo The Australia Financial Review, với sự tham gia của Đại học Tây Australia và Đại học Curtin, CRC về Tài chính số thể hiện mong muốn nghiên cứu tăng tốc số hóa ngành khai khoáng trong bối cảnh công nghệ tài sản số cho phép tạo ra các thị trường giao dịch có tính thanh khoản cho các khoáng sản vẫn còn trong lòng đất.
Trong một báo cáo cách đây 4 năm, công ty kiểm toán PWC đã giải thích với khách hàng của mình rằng một khối quặng dưới lòng đất có thể được phân chia theo các kích thước cụ thể và được ghi lại dưới dạng mã trên blockchain.
Mã này sẽ cho phép quặng được bán và giao dịch trên thị trường, tạo ra tính thanh khoản và cho phép các mỏ quặng được giao dịch trước khi được khai thác. Điều này có thể giúp mở ra các thị trường mới để phòng ngừa rủi ro giá hàng hóa và thúc đẩy cải tiến kỹ thuật khai thác trong tương lai.
Cũng trong lĩnh vực khai khoáng, mã hóa tài sản còn tạo ra lợi ích cho các tài sản đã có. Ví dụ như một thỏi vàng được mã hóa từ một mỏ khai thác có tính bền vững có thể được bán với giá cao hơn trên các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được đề cao.
Vì vậy, blockchain có thể giúp truy xuất nguồn gốc một thanh vàng vật lý, được gắn thẻ điện tử, từ nơi khai thác cho tới thị trường. Kim cương cũng có thể được in mã QR giúp cho việc xác định chúng được khai thác và chế tác phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức.
Không những thế, mã hóa tài sản còn mang lại nhiều lợi ích tiềm năng khác, ví dụ như ý tưởng về mã hóa bất động sản. Điều này sẽ cho phép “chia nhỏ” quyền sở hữu các tòa nhà thương mại có giá trị cao cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ hơn.
Cuộc cách mạng mới thách thức đối với các sàn giao dịch tập trung
Sự ra đời của CRC về Tài chính số cũng cho thấy Australia đang chuẩn bị thúc đẩy hàng loạt những thay đổi trong hệ thống chuỗi cung ứng tài chính, các cấu trúc và môi trường pháp lý, một khi tài sản số trở nên phổ biến hơn.
Ông Andreas Furche, Giám đốc điều hành CRC, cho biết Trung tâm sẽ nghiên cứu về tác động của cơ sở hạ tầng thời gian thực, yếu tố cốt lõi cho mọi giao dịch và cung cấp thông tin cho các nhà quản lý cùng những “người chơi” trên thị trường.
Ông Furche giải thích, trong một thị trường truyền thống, ví dụ thị trường cổ phiếu, một lệnh giao dịch trên thị trường thực tế là một cam kết mua cổ phiếu. Thị trường sẽ thực hiện khớp lệnh, các công ty môi giới thu xếp tín dụng và vào cuối ngày, lệnh sẽ được thanh toán và sau đó đăng ký điều chỉnh quyền sở hữu.
Tuy nhiên, trong thị trường của các tài sản mã hóa, những gì được đưa ra chính là tài sản mã hóa thực tế. Và khi giao dịch, những tài sản này được hoán đổi theo thời gian thực với một mã khác mà không cần phải qua khâu xử lý.
Liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CDBD), với các tài sản mã hóa trên blockchain, những người tham gia thị trường đều muốn các giao dịch được thanh toán ngay khi kết thúc quá trình trao đổi.
Ông Furche cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của CRC sẽ là nghiên cứu các tác động pháp lý của các sổ đăng ký. Mục đích cuối cùng của Trung tâm là tìm hiểu cách các mã kỹ thuật số đại diện cho đồng đôla Australia (AUD) có thể cho phép việc thanh toán các tài sản được mã hóa, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm giao dịch được hoàn tất.
Trong 18 tháng qua, cùng với hai ngân hàng Ngân hàng quốc gia Australia (NAB) và Commonwealth, RBA đã tìm hiểu tác động của một dạng kỹ thuật số của đồng tiền ngân hàng trung ương trên thị trường bán buôn. Dự kiến, một báo cáo về dự án thí điểm phát hành CBDC được mã hóa để cấp vốn, quyết toán và hoàn trả khoản vay hợp vốn được mã hóa, sẽ được hoàn thành trong tháng Bảy này.
RBA cũng đang tìm hiểu việc giảm rủi ro thanh toán và cho phép "thanh toán nguyên tử" có nghĩa là đồng tiền kỹ thuật số và mã tài sản sẽ được trao đổi ngay lập tức và việc chuyển giao một mã sẽ chỉ xảy ra khi bên kia thực hiện việc chuyển giao.
Cũng trong tuần này, RBA cho biết, việc tham gia vào CRC về Tài chính số sẽ mang đến cơ hội “hợp tác với các đối tác trong ngành ngân hàng và khoa học trong việc nghiên cứu dài hạn liên quan đến những đổi mới trong tài chính số, bao gồm mã tài sản, đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, và công nghệ quản lý.”
Trung tâm sẽ giúp “phát triển và khai thác các cơ hội từ việc số hóa tài sản để những tài sản này có thể được mua bán và trao đổi trực tiếp và theo thời gian thực giữa bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào.”
Trong khi Sở Giao dịch Chứng khoán Australia (ASX) đang cập nhật hệ thống thanh toán và bù trừ bằng một nền tảng blockchain riêng, bản cáo bạch của CRC về Tài chính số cũng chỉ ra rằng các tài sản mã hóa mới này cuối cùng sẽ thách thức các sàn giao dịch tập trung.
Trong tương lai, các nhà sản xuất sẽ số hóa nhiều tài sản hơn và “tìm cách bán các tài sản này không chỉ thông qua các sàn giao dịch chứng khoán đã thiết lập, mà còn bán tự động thông qua bất kỳ kênh phân phối điện tử nào hiện có.”
Theo CRC, hiện nay các sàn giao dịch vẫn là nơi hoạt động của các trung gian đáng tin cậy, với các hạn mức tín dụng được thu xếp, những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi theo thời gian thực cho việc trao đổi tài sản đã đăng ký theo mục đích, để trao đổi thực tế (thanh toán) vào cuối “ngày giao dịch” hoặc vài ngày sau đó.
“Mô hình không hiệu quả này buộc phải có một cuộc cách mạng mới, đó là số hóa toàn cầu tất cả các tài sản có thể giao dịch để cho phép chúng được giao dịch, thanh toán và trao đổi trực tiếp và tức thì giữa bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào.”
Trong phần giới thiệu về Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về Các cách tiếp cận pháp lý đối với việc mã hóa tài sản, vừa được phát hành trong năm nay, ông Greg Medcraft, chuyên gia về chính sách blockchain và cũng là cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) viết: “Blockchain và các (công nghệ sổ cái phân tán) khác được thiết lập để trở thành yếu tố quan trọng trong thị trường tài chính trong những năm tới và cuối cùng có thể làm thay đổi cấu trúc của các quá trình thị trường hoặc thậm chí chính thị trường."
Báo cáo lưu ý, các nhà quản lý trên thế giới đang “vật lộn” với vấn đề mã hóa tài sản theo những cách khác nhau. Một số đang đưa ra các khuôn khổ pháp lý mới nhằm điều chỉnh các tài sản được mã hóa và các thị trường được hỗ trợ bởi blockchain; những người khác đang xác định vai trò cho những người chơi mới tham gia vào các thị trường này và một số khác vẫn đang cập nhật các quy định hiện hành. Tất cả nhằm giải quyết những đặc điểm và rủi ro cụ thể chỉ có ở các mạng và hệ thống phi tập trung.
Cuối cùng, theo tờ The Australian Financial Review, tiến trình mã hóa tài sản còn đang ở giai đoạn đầu nhưng dự báo của CRC về Tài chính số cho thấy quá trình này sắp “cất cánh."
Quá trình này hứa hẹn việc dân chủ hóa thị trường tài chính, cho phép các nhà đầu tư nhỏ có thể tiếp cận các thị trường tư nhân giống như cách đã tiếp cận thị trường công. Các quỹ hưu trí tự quản sẽ có cơ hội tiếp cận với các loại tài sản như tòa nhà thương mại, giúp đa dạng hóa tài sản đầu tư. Chi phí giao dịch sẽ được cắt giảm trong khi tốc độ giao dịch sẽ giúp giảm rủi ro đáng kể.
Nhưng cũng giống như bất kỳ công nghệ mới nào, rủi ro cũng có thể sẽ xuất hiện. Một số sản phẩm còn đang trong quá trình hình thành và chưa bị điều chỉnh bởi quy định pháp lý hiện có. Ngoài ra, OECD cảnh báo các hành vi không tuân thủ sẽ làm tăng rủi ro cho các bên tham gia thị trường./.