Australia - 'phép thử' cho mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc

Australia vướng vào một tranh chấp thương mại ngày càng trở nên tồi tệ với Trung Quốc. Điều này có thể đặt ra cho chính quyền mới của ông Joe Biden thách thức đầu tiên về chính sách đối ngoại.
Australia - 'phép thử' cho mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 12/2013. (Nguồn: Getty Images)

Theo nhận định của báo The Straits Times, trong chuyến thăm chính thức đến Australia năm 2016, ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ đã đưa ra sự ủng hộ rõ ràng đối với liên minh giữa Mỹ và Australia.

Trong bài phát biểu nhắc lại sức mạnh lâu bền của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông nói: “Việc Australia tiếp tục phát triển, thành công và thịnh vượng nằm trong lợi ích của chúng ta. Mối quan hệ đối tác giữa Australia và Mỹ nằm ở trung tâm tầm nhìn của chúng ta đối với tương lai của khu vực. Đó không phải là những gì chúng ta có thể làm cho Australia, mà đó là những gì chúng ta có thể làm cùng với Australia.”

Bốn năm trôi qua, ông Biden đã trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và ông sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới.

Còn Australia lại đang vướng vào một tranh chấp thương mại ngày càng trở nên tồi tệ với Trung Quốc.

Điều này có thể đặt ra cho chính quyền của ông Biden một trong những thách thức đầu tiên về chính sách đối ngoại và phản ứng của họ sẽ được các quốc gia đang muốn tìm ra con đường cho mình trong tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Các nhà theo dõi chính sách đối ngoại ở Washington đã kêu gọi ông Biden hành động để bảo vệ đồng minh.

Cố vấn an ninh quốc gia tương lai của Mỹ Jake Sullivan, người hầu như chưa đưa ra tuyên bố công khai nào kể từ khi đề cử bổ nhiệm ông được công bố, đã phát đi tín hiệu rằng ông cũng có ý nghĩ như vậy.

Ông đã viết trên Twitter hồi đầu tháng 12: “Như chúng ta đã làm trong một thế kỷ qua, nước Mỹ sẽ sát cánh với đồng minh Australia của chúng ta và tập hợp các nước để thúc đẩy an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị chung của chúng ta.”

Tại sao Australia bị Trung Quốc nhắm mục tiêu?

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Australia đã xấu đi trong năm 2020, với việc Trung Quốc áp đặt thuế quan và các biện pháp hạn chế đối với rượu vang, lúa mạch, thịt bò, tôm hùm đá, gỗ và than đá, cũng như những mặt hàng khác của Australia trong những tháng gần đây.

Trong khi một số hành động là các biện pháp chính thức đối phó chống bán phá giá và chống trợ cấp, những biện pháp khác thậm chí không được các nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận.

Tranh cãi ngoại giao lần đầu tiên nổ ra vào tháng 8/2018 khi Australia đưa thiết bị của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) vào danh sách đen, loại khỏi mạng lưới 5G của nước này vì những lo ngại an ninh quốc gia.

Tranh cãi bắt đầu gia tăng vào tháng Tư năm nay sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về phản ứng ban đầu của Bắc Kinh trước dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - những hành động khiến Bắc Kinh gọi Chính quyền Australia là “con rối” của Washington.

Trung Quốc đổ lỗi cho những hành động của Australia là nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ rạn nứt. Chính quyền Australia khẳng định những lời đổ lỗi này là không hợp lý và nói rằng họ tuân theo các nguyên tắc và chủ quyền của mình.

Các nhà phân tích cho rằng các hành động của Bắc Kinh nhằm mục đích ngăn chặn các nước khác, trong đó có Canada và các nước châu Âu, đứng về phía Washington trong một liên minh chống lại Trung Quốc.

Chuyên gia nghiên cứu Viện doanh nghiệp Mỹ Zack Cooper đã phát biểu rằng: “Bắc Kinh đang tìm cách trừng phạt Australia để làm gương và khiến Australia phải trả giá vì bất đồng công khai với Chính phủ Trung Quốc trong một loạt vấn đề."

Những hành động của Bắc Kinh là một phần của xu hướng đang tăng tốc được Tiến sỹ John Lee và Tiến sỹ Charles Edel, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Mỹ có trụ sở tại Sydney, chỉ ra trong báo cáo năm 2019 của họ về tương lai của liên minh Mỹ-Australia trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các nước lớn.

Họ lập luận rằng mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Trung Quốc làm trung tâm. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đã tìm cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ ở châu Á và thuyết phục các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng “phí tổn của việc bị lôi kéo vào tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington là rất cao.”

Hai ông viết: “Nếu thông điệp của Trung Quốc dường như là chính xác, tốt hơn là các quốc gia nhỏ hơn nên tiếp tục đứng sang một bên và điều chỉnh cho phù hợp với tính tất yếu về ưu thế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu các nước chỉ trích hay phản đối những hành động này và những hành động khác của Trung Quốc, họ sau đó sẽ phải hứng chịu sự đóng băng về ngoại giao, đe dọa về thương mại hay sự trừng phạt thực sự về kinh tế.”

Trong trường hợp này, Australia là một mục tiêu dễ dàng vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra và là điểm đến của gần 40% hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Những sự lựa chọn của ông Biden

Các chuyên gia lập luận, muốn ngăn cản Bắc Kinh sử dụng hành vi gây căng thẳng thương mại để thể hiện sự không hài lòng của Trung Quốc về các chính sách của các nước khác, Mỹ và các nước phải làm thay đổi tư duy của Bắc Kinh về “trò chơi phí tổn-lợi ích” bằng việc gia tăng phí tổn của hành vi đe dọa về kinh tế và giảm bớt gánh nặng cho các nước bị nhắm làm mục tiêu.

Tiến sỹ Lee cho rằng giống như nhiều đồng minh, Australia muốn chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ, các đồng minh châu Á và các đồng minh châu Âu khi áp đặt một cách cá nhân hay tập thể những biện pháp răn đe và thậm chí là cả những phí tổn đối với hành vi sai lầm của Trung Quốc.

Chính quyền của ông Biden có thể ủng hộ sự khiếu nại chính thức của Australia, được đưa ra hồi tuần trước, lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu xem xét thuế quan của Trung Quốc đánh vào lúa mạch nhập khẩu từ Australia.

Cựu quyền Phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler và ông James Green – cựu cố vấn Bộ trưởng phụ trách các vấn đề thương mại của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, đều hối thúc Mỹ, Australia và các đối tác thương mại khác phối hợp tại WTO và lên tiếng về những vi phạm của Bắc Kinh.

Tiến sỹ Cooper cho rằng sự quan tâm và lên tiếng tập thể sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải suy tính kỹ trước khi sử dụng hình thức chiến thuật tương tự ở những nơi khác, dù nếu nó không ngăn chặn được hoàn toàn các biện pháp gây áp lực của Bắc Kinh.

Ông lập luận rằng người Trung Quốc có truyền thống lo ngại về vấn đề họ được nhìn nhận như thế nào ở bên ngoài, và những hành vi kinh tế mang tính đe dọa của Bắc Kinh rất không được ủng hộ ở các nước mục tiêu.

Chẳng hạn, lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang Nhật Bản và sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh nhằm vào Hàn Quốc khi Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại nước này đã dẫn đến sự giảm mạnh tỷ lệ ủng hộ đối với Chính phủ Trung Quốc trong các cuộc thăm dò dư luận ở các nước này.

[Nhìn lại thế giới 2020: Căng thẳng Australia-Trung Quốc 'tăng nhiệt']

Xét từ một khía cạnh khác, chính quyền của ông Biden cũng có thể hành động để giảm bớt tác động của những sức ép kinh tế từ Trung Quốc, theo đó một cách thức là tập hợp một liên minh kinh tế không chính thức gồm các nước có cùng tư tưởng. Đề xuất này đang được chính quyền Tổng thống Donald Trump cân nhắc.

Theo kế hoạch này, lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước mục tiêu có thể được bù đắp nếu thay vào đó các nước khác nhất trí mua phần hàng hóa dư thừa.

Các nhà lập pháp trên toàn thế giới đang vận động cho một phiên bản lỏng lẻo của ý tưởng này.

Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc, một nhóm gồm hơn 200 nhà lập pháp từ 19 quốc gia khác nhau, trong đó có nghị sỹ Ted Yoho thuộc bang Florida của Mỹ, đã khởi động một chiến dịch hối thúc mọi người mua rượu vang của Australia.

Mặc dù một dàn xếp như vậy sẽ không thể bù đắp cho tất cả những thiệt hại, nhưng nó có thể làm giảm nhẹ đòn giáng và ngăn chặn các biện pháp gây áp lực về kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.

Tiến sỹ Cooper cho rằng nếu Trung Quốc gây sức ép lên một quốc gia, các nước bạn bè, có cùng tư tưởng khác có thể góp phần hỗ trợ quốc gia đó.

Đồng thời, trước hết các nước cũng cần phải tìm cách giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương của mình trước hành vi "hăm dọa" kinh tế bằng việc đánh giá lại các chuỗi cung ứng của họ và giảm tới mức thấp nhất sự phụ thuộc vào các quốc gia thù địch tiềm tàng.

Những tác động rộng lớn hơn

Theo một số cách thức, tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Australia đã được tạo điều kiện bởi việc các chính quyền trước đây của Mỹ đã làm không đủ để ngăn chặn hành vi "hăm dọa" kinh tế của Bắc Kinh.

Bắc Kinh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010 vì tranh chấp lãnh thổ, giảm nhập khẩu cá của Na Uy năm 2010 sau khi một nhân vật bất đồng chính kiến của Trung Quốc được trao Giải Nobel Hòa bình, hạn chế nhập khẩu chuối của Philippines năm 2012 vì vấn đề Biển Đông, và tẩy chay các doanh nghiệp của Hàn Quốc năm 2017 vì Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại nước này.

Các chuyên gia cho rằng nhìn chung không có nhiều hình phạt cho những hành động kiểu này. Lý do Trung Quốc sẵn sàng làm như vậy là vì họ như thể cảm thấy rằng họ không phải trả giá nhiều.

Đối với Australia, người ta hy vọng rằng chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, mặc dù với nhiều chiến lược hơn.

Tiến sỹ Lee cho rằng Australia sẽ hy vọng ông Biden thể hiện tư duy chiến lược tốt hơn đối với một loạt mục tiêu và kết quả mang tính thể chế. Canberra sẽ không muốn Mỹ quay trở lại cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhiệm kỳ hai vốn để các đồng minh như Australia cảm thấy dễ bị tổn thương hơn và Trung Quốc ở vị trí chiếm ưu thế hơn.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù khả năng Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Biden không can dự vào tranh chấp thương mại Trung Quốc-Australia vẫn khá cao, nhưng những tín hiệu ban đầu chống lại hành vi của Bắc Kinh là đáng quan tâm.

Họ chỉ ra tuyên bố ban đầu của ông Sullivan về vấn đề Australia là tín hiệu cho thấy ông coi trọng như thế nào vấn đề này. Hy vọng rằng các quan chức Mỹ đang lựa chọn tìm kiếm những việc mà họ có thể làm khi họ lên nắm quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục