Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Queensland (QUT) đã phát triển một loại robot dùng để đếm và chụp ảnh các loài san hô con được nuôi trong “bể ươm” phục vụ công tác bảo tồn Rạn San hô Great Barrier của Australia.
Rạn san hô này được mệnh danh là cấu trúc sống lớn nhất thế giới và là hệ thống duy nhất có thể nhìn thấy từ vũ trụ, song đang trải qua đợt tẩy trắng tồi tệ nhất từng được ghi nhận.
Việc phát triển robot nói trên là kết quả của Dự án Hệ thống Đánh giá sự phát triển của san hô bằng robot (CGRAS) do Viện Khoa học Hàng hải Australia (AIMS), Chương trình Phục hồi và Thích ứng Rạn San hô (RRAP) và Cơ sở Nghiên cứu Kỹ thuật của QUT phối hợp thực hiện.
Tiến sỹ Dorian Tsai, chuyên gia nghiên cứu về robot thuộc QUT, cho biết trung bình phải mất 45 phút để một chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp có thể đếm được những con san hô nhỏ khoảng 1mm trên một cụm san hô có kích thước 28x28cm2.
Để thực hiện thủ công, việc này sẽ tiêu tốn khoảng 7.200 giờ mỗi tuần, tương đương chi phí lao động là 500.000 AUD (323.000 USD)/tuần và lên tới 6 triệu AUD/năm trong thời gian nuôi san hô 12 tuần.
Đây là lý do nhóm đã phát triển một nguyên mẫu robot để ghi lại hình ảnh san hô con trong bể ươm một cách lặp đi lặp lại, chính xác và linh hoạt khi chúng đang phát triển.
Nhóm nhà khoa học trên cho biết họ cũng đang ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để tự động phát hiện và đếm những con san hô non, qua đó đảm bảo san hô sẽ phát triển khỏe mạnh trước khi chúng được đưa vào môi trường tự nhiên.
Tiến sỹ Tsai cho biết hầu hết kỹ thuật phục hồi san hô hiện nay chủ yếu tập trung vào việc “phân mảnh san hô.”
Phương pháp này bị hạn chế bởi số lượng san hô có thể thực hiện được là 50 san hô trên mỗi nguồn thu thập, dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng quy mô.
Bằng việc áp dụng công nghệ mới, nhóm của ông đang hướng tới việc nhân giống hàng loạt san hô thông qua sinh sản hữu tính, trong đó các đàn san hô bố mẹ có thể tạo ra hơn một triệu san hô trên mỗi đàn, qua đó đảm bảo sự đa dạng, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của môi trường, cũng như mở rộng quy mô phát triển.
Tiến sỹ Line Bay, Giám đốc Chương trình RRAP cho biết dự án CGRAS là một phần thiết yếu trong bộ công cụ công nghệ cần thiết để mở rộng quy mô phục hồi và hỗ trợ Rạn San hô Great Barrier đối phó tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu cho biết dự án CGRAS đã được triển khai hiệu quả tại Cơ sở Nghiên cứu National Sea Simulator (SeaSim) gần thành phố Townsville (Queensland) đầu năm 2024 và lần thực hiện tiếp theo sẽ được áp dụng cho đợt sinh sản kế tiếp của san hô vào tháng 12/2025./.
Australia: Hiện tượng tẩy trắng diện rộng xảy ra tại rạn san hô Great Barrier
Các nhà khoa học xác nhận đợt tẩy trắng mới sau khi tiến hành khảo sát trên không đối với 300 rạn san hô “cạn” trong bối cảnh nhiệt độ nước biển đe dọa nơi sinh sống của hàng nghìn sinh vật biển.