Các bác sỹ Australia vừa tìm thấy một con giun dài 8cm, sống ký sinh bên trong não của nữ bệnh nhân 64 tuổi, khi lấy ra vẫn còn sống.
Trong nghiên cứu được công bố ngày 29/8 trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, các nhà nghiên cứu tại Đại học quốc gia Australia (ANU) và bệnh viện Canberra đã trình bày chi tiết về việc phẫu thuật lấy ra con giun tròn ký sinh trong não người này.
Đây là loài giun có tên Ophidascaris robertsi, mà các nhà nghiên cứu cho biết là loài ký sinh trùng phổ biến ở chuột túi và trăn thảm (Carpet Python) - nhưng không phải ở người.
Các nhà nghiên cứu cho rằng người phụ nữ này bị nhiễm bệnh sau khi chạm hoặc ăn phải những loài rau gần nhà được cho đã nhiễm trứng giun thải ra từ chất bài tiết của một con trăn.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sanjaya Senanayake tại ANU và bệnh viện Canberra cho biết: "Đây là trường hợp người nhiễm Ophidascaris robertsi đầu tiên trên thế giới. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây cũng là ca đầu tiên ở động vật có vú."
[Cảnh báo nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng nhưng lầm tưởng là dị ứng]
Theo nghiên cứu, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện địa phương ở bang New South Wales (NSW) năm 2021 sau 3 tuần đau bụng và tiêu chảy.
Đến năm 2022, sau khi bà bắt đầu mắc chứng đãng trí và trầm cảm, một bác sỹ phẫu thuật thần kinh ở bệnh viện Canberra nhận thấy sự bất thường ở thùy trán bên phải của não qua kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI).
Bác sỹ thần kinh sau đó đã bàng hoàng khi phát hiện con giun tròn ký sinh và quyết định phẫu thuật. Hiện người phụ nữ vẫn đang được các chuyên gia tiếp tục theo dõi.
Thông thường, rau cỏ là môi trường sinh sống của trăn. Phân chúng chứa trứng của các loại ký sinh trùng và giun sán. Giun tròn Ophidascaris obertsi trú ngụ trong cơ thể loài trăn thảm, đặc biệt là trong ống thực quản và dạ dày.
Theo ANU, loại giun này có khả năng phục hồi cực tốt, phát triển mạnh trong nhiều môi trường khác nhau./.