Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) Philip Lowe cho rằng sẽ cần phải xem xét hiệu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên thế giới đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho dù quốc gia này đang trên lộ trình tiến tới cắt giảm lãi suất.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Canberra, ông Philip Lowe cũng cho rằng việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế đang “èo uột” cúa nước này.
Chỉ mới tuần trước, ông Lowe cho biết việc Australia cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,25% sẽ không đủ để góp phần khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong nước.
Ngày 5/6, một ngày sau khi RBA hạ tỷ lệ lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất trong lịch sử của Xứ sở Chuột túi, Cơ quan Thống kê Australia (ABS) đã công bố các số liệu cho hay kinh tế Australia trong quý 1/2019 tăng trưởng 0,4% so với quý trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ quý 3/2009.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù số liệu trên cao hơn mức tăng 0,2% trong quý 4/2018, song vẫn thấp hơn kỳ vọng của thị trường và mức tăng trưởng 1% cùng kỳ năm 2018.
Chi tiêu hộ gia đình - một trong những nguyên nhân chính góp phần kéo GDP của Australia giảm tốc - quý 1/2019 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó chỉ đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tuần trước Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Kết thúc cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày (19-20/6), Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức gần 0%, đồng thời không thay đổi chương trình mua tài sản.
Trong báo cáo công bố sau cuộc họp, BoJ khẳng định nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng ở mức độ vừa phải cho dù sự suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế khác đang tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này. Tuy nhiên, BoJ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ các tác động của sự suy giảm ở các nền kinh tế khác tới tâm lý của giới doanh nghiệp và hộ gia đình ở Nhật Bản.
Trước cuộc họp này, BoJ đã phải chịu sức ép rất lớn khi nhiều ngân hàng trung ương đang có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trước đó hôm 18/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ECB có thể sẽ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng nếu triển vọng lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu không được cải thiện.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới vì sự khó đoán định về triển vọng kinh tế do tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc./.