Ngày 26/8, Australia đã chính thức áp dụng luật “ngắt kết nối," cho phép cho hàng triệu người lao động có thể bỏ qua những cuộc liên lạc bất hợp lý ngoài giờ làm việc từ chủ sử dụng lao động.
Theo luật mới, người lao động có thể "từ chối theo dõi, đọc hoặc trả lời" những nỗ lực liên lạc ngoài giờ làm của người sử dụng lao động - trừ khi sự từ chối đó bị coi là "không hợp lý."
Theo bà Anna Booth, Thanh tra của Cơ quan Lao động công bằng Australia, các yếu tố để đánh giá mức độ phù hợp bao gồm lý do liên lạc, bản chất vai trò của nhân viên và mức lương thỏa đáng nếu họ phải làm thêm giờ hoặc có mặt.
Các công đoàn tại Australia đã hoan nghênh luật này, cho rằng quy định mới sẽ giúp người lao động có thể cân bằng lại giữa công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, Nhóm Công nghiệp Australia tin rằng luật về “quyền ngắt kết nối" đã được ban hành một cách vội vàng và dễ gây nhầm lẫn. Theo họ, người lao động và người sử dụng lao động hiện sẽ không chắc chắn về việc liệu họ có thể nhận cuộc gọi hoặc liên lạc ngoài giờ để đề nghị làm thêm giờ hay không.
Luật được ban hành từ tháng 2 năm nay, có hiệu lực đối với các công ty vừa và lớn kể từ ngày 26/8. Quy định mới sẽ áp dụng với các công ty nhỏ, có ít hơn 15 nhân viên, từ ngày 26/8/2025.
Trước đó, một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ Latinh cũng đã áp dụng luật tương tự./.
Mỹ: Mất 200 năm để lương của người lao động đuổi kịp lương của CEO
Tại một nửa số công ty trong cuộc khảo sát lương hàng năm của hãng tin AP, người lao động sẽ phải mất gần 200 năm để kiếm được số tiền tương đương với CEO của họ.