Australia nâng mức phạt tù với tội danh phá hoại hoa quả có chủ đích

Sau việc phát hiện kim khâu trong dâu tây, Quốc hội Australia đã thông qua đề xuất của chính phủ nước này nhằm nâng mức hình phạt tối đa với tội phá hoại hoa quả có chủ đích từ mức 10 năm lên 15 năm.
Dâu tây tại một nhà hàng ở Sydney, Australia ngày 19/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/9, Quốc hội Australia đã thông qua đề xuất của chính phủ nước này nhằm nâng mức hình phạt tối đa với tội phá hoại hoa quả có chủ đích từ mức 10 năm lên 15 năm, trong bối cảnh người tiêu dùng hoang mang khi phát hiện nhiều vật thể sắc nhọn trong các trái dâu tây và một số loại hoa quả khác được bày bán tại nhiều siêu thị.

Đề xuất được Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố ngày 19/9. Vụ việc đặc biệt gây chú ý khi được ông Morrison đề cập một cách công khai nhiều lần trong vài ngày qua và từng được ông ví như "hành động khủng bố."

Ví những thủ phạm đứng sau vụ việc như "những kẻ hèn nhát," Thủ tướng Australia kêu gọi Quốc hội nhanh chóng cho phép nâng mức phạt tối đa với những hành vi phá hoại thực phẩm có chủ đích từ mức 10 lên 15 năm, tương đương với các tội ấu dâm hay phá hoại tài chính.

[Cây kim khâu nhỏ bé hủy hoại ngành công nghiệp trái cây tươi]

Cho tới nay, giới chức Australia đã nhận được báo cáo về hơn 100 trường hợp phát hiện kim khâu hoặc ghim nhọn trong các loại hoa quả bày bán tại siêu thị trên cả nước kể từ sau khi vụ việc đầu tiên được phát hiện tại Queensland hồi đầu tháng này. Dù nhiều người cho rằng đây có thể là trò nghịch ngợm hoặc một trò đùa nhưng cảnh sát đã mở cuộc điều tra và cho tới nay đã xét hỏi hai trẻ vị thành niên tình nghi liên quan tới vụ việc.

Vụ việc đã khiến ngành sản xuất dâu tươi với doanh thu 130 triệu AUD (93 triệu USD) mỗi năm của Australia điêu đứng. Ngoài bảy thương hiệu có sản phẩm phát hiện kim khâu phải đóng cửa, những nhà sản xuất hay các trang trại trồng dâu khác trên khắp Australia cũng gần như phải chịu chung số phận khi lượng tiêu thụ giảm mạnh do người tiêu dùng không dám mua dâu. Trong khi đó, các đối tác thương mại ở một số nước như Anh, Nga và New Zealand ngừng nhập khẩu dâu tươi từ Australia.

Hầu hết các chính trị gia của Australia đều đã xuất hiện trên truyền hình hoặc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm vực dậy niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm trái cây của quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục