Từ ngày 22/10, thành phố Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, sẽ kết thúc 262 ngày phong tỏa, quãng thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của bang Victoria đạt mục tiêu 70%.
Hàng triệu người dân thành phố Melbourne đang chờ đợi đến thời điểm thành phố dỡ phong tỏa sau 24 giờ ngày 21/10, trong khi đó các nhà hàng, quán rượu, tiệm càphê cũng đang gấp rút chuẩn bị để mở cửa trở lại tiếp đón những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ.
Theo quy định mới, kể từ 0 giờ ngày 22/10, các cơ sở kinh doanh đồ uống nói trên sẽ được phép phục vụ trong nhà tối đa 20 khách đã tiêm đủ liều và 50 khách ở ngoài trời, trong khi các hiệu làm tóc được phép đón tiếp tối đa 5 người.
Thành phố Melbourne đã phải trải qua đợt phong tỏa lần thứ 6 kể từ đầu tháng 8/2021 nhằm dập tắt dịch COVID-19 bùng phát do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Giới chức đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trước khi nơi lỏng các quy định hạn chế tại bang.
Theo truyền thông Australia, tính đến ngày 21/10, hơn 5 triệu người dân thành phố đã thực hiện lệnh phong tỏa trong tổng cộng 262 ngày, tương đương gần 9 tháng kể từ tháng 3/2020. Đây là khoảng thời gian phong tỏa dài nhất thế giới, vượt qua thủ đô Buenos Aires của Argentina với thời gian 234 ngày.
Trước đó, chính quyền bang Victoria cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với người trên 16 tuổi đạt 70 %.
Ngày 21/10, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ghi nhận nỗ lực phòng chống dịch tại bang Victoria và cho biết sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại bang này, ít nhất là từ 80% trở lên.
Thống kê mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới trong ngày 21/10 tại bang Victoria đã tăng lên 2.232 ca, tiến gần sát mốc kỷ lục 2.297 ca vào một tuần trước đó, hầu hết trong số này tập trung tại thành phố Melbourne.
[Chuyên gia Australia: Con đường thoát ra khỏi COVID-19 vẫn còn dài]
Australia đã từ bỏ chiến lược “zero COVID-19” và đang dần hướng tới “sống chung với COVID-19” nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng cao khi làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát do biến chủng Delta kể từ giữa tháng 6 vừa qua.
Thành phố Sydney và thủ đô Canberra đã tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa trong tuần trước sau khi đạt mục tiêu tiêm chủng. Các bang còn lại của Australia hiện không có hoặc có rất ít ca nhiễm mới.
Tuy nhiên, số ca mắc mới tại bang New South Wales trong ngày 21/10 tiếp tục tăng trong ngày thứ 3 liên tiếp, lên 372 ca so với 283 ca một ngày trước đó.
Đến nay, Australia ghi nhận khoảng 152.000 ca mắc COVID-19 và 1.590 ca tử vong, con số tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác.
Trong khi đó, các chuỗi siêu thị của Australia yêu cầu tiêm phòng bắt buộc vaccine COVID-19 đối với nhân viên.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ba tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn nhất của Australia là Woolworths, Coles và Aldi đã yêu cầu các nhân viên của mình bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19, trong bối cảnh các ngành công nghiệp Australia nỗ lực thiết lập các giải pháp bảo vệ người lao động và khách hàng khi phần lớn các bang bắt đầu mở cửa trở lại và bước sang giai đoạn “sống chung với COVID-19.”
Hơn 250.000 người lao động thuộc ba chuỗi siêu thị trên sẽ phải có chứng minh tiêm chủng để có thể duy trì làm việc tại các cửa hàng, trung tâm phân phối và văn phòng hỗ trợ khách hàng của các tập đoàn trên.
Ngày 21/10, các tập đoàn Woolworths và Coles đã công bố thời điểm cụ thể bắt buộc đối với các nhân viên phải được tiêm chủng trước khi có mặt tại nơi làm việc, trong đó thời hạn vào được ấn định cụ thể theo từng bang, từ nay đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Trong khi đó, chuỗi siêu thị Aldi cũng đã thông báo yêu cầu tiêm phòng bắt buộc đối với tất cả nhân viên của tập đoàn nhưng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Giám đốc điều hành của 3 tập đoàn trên đều cho rằng quyết định yêu cầu tiêm phòng bắt buộc là cần thiết, nhằm thiết lập "lá chắn" bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động khi các bang đang dần mở cửa trở lại và nới lỏng các lệnh giãn cách.
Trước Woolworths, Coles và Aldi, một loạt các tập đoàn lớn của Australia cũng có yêu cầu tương tự như các hãng viễn thông Telstra, tập đoàn khai khoáng BHP, hãng hàng không Qantas và Virgin Airlines, ngân hàng Westpac và Commonwealth Australia.
Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ còn lại, trong đó có Wesfarmers, nhà sở hữu thương hiệu Bunnings và Officeworks, đang trong quá trình chuẩn bị cho kế hoạch yêu cầu việc tiêm vaccine bắt buộc đối với các nhân viên của mình.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ của Australia cho biết sẽ không buộc khách hàng phải chứng minh đã tiêm chủng trước khi đến mua sắm tại các cửa hàng./.