Australia, Liban, Israel công bố các gói chi tiêu lớn chống COVID-19

Australia đã công bố một gói chi tiêu lớn, tới 1 tỷ USD, trong khi đó Liban ngày 11/3 cũng thông báo kế hoạch chi 39 triệu USD để chống lại tác động của dịch COVID-19.
Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị ở Beirut, Liban, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, ngày 11/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 12/3, Australia đã công bố một gói chi tiêu lớn, tới 17,6 tỷ AUD (tương đương 11 tỷ USD), nhằm chống lại các tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế và tránh nguy cơ nước này rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong gần 30 năm.

Đây là gói kích thích đầu tiên của Australia kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, được công bố sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19.

[COVID-19: Cơ hội để dệt may, da giày tái cơ cấu chuỗi cung ứng]

Đến nay, Australia đã ghi nhận 136 ca mắc COVID-19, trong đó 3 ca tử vong.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo dịch bệnh lan rộng có thể khiến nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái trong quý 2.

Số tiền trên được bơm vào nền kinh tế Australia trong khoảng thời gian dự kiến kết thúc vào tháng 6/2021, với 11 tỷ AUD (7,26 tỷ USD) sẽ được giải ngân trước ngày 30/6 tới.

Trong số đó, những người hưu trí và người hưởng trợ cấp phúc lợi xã hội tại Australia sẽ nhận 750 AUD/người (tương đương 495 USD).

Các doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ 25.000 AUD (16.160 USD).

Phát biểu với báo giới tại Canberra, Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh: "Đây là một kế hoạch toàn diện, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, nhắm đúng mục tiêu, theo đó hỗ trợ nền kinh tế, việc làm và doanh nghiệp Australia vượt qua những tháng khó khăn trước mắt."

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Morrison cũng cam kết 2,4 tỷ USD (1,5 tỷ USD) hỗ trợ hệ thống y tế trong thời gian dịch bệnh.

Nhận định về biện pháp trên của Chính phủ Australia, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, ông Craig James cho rằng gói kích thích đảm bảo nền kinh tế không rơi vào suy thoái và là "một bước tiến tốt đầu tiên."

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg dự kiến gói kích thích trên sẽ giúp GDP nước này tăng 1,5 điểm phần trăm trong quý 2.

Tuy nhiên, các kế hoạch chi tiêu trên sẽ làm tiêu tan hy vọng của Thủ tướng Morrison tạo thặng dư ngân sách lần đầu tiên cho Australia mà ông đã cam kết khi tranh cử.

Theo Thủ tướng, gói kích thích trên tương đương 1,2% GDP Australia, sẽ khiến ngân sách không đạt mục tiêu thặng dư.

Ông cũng cho biết Chính phủ Australia hoạch định khoản ngân sách ước tính 1,2% GDP để hỗ trợ nền kinh tế trong tài khóa 2020 và 2 tài khóa tiếp theo.

Trong khi đó, Liban ngày 11/3 cũng thông báo kế hoạch chi 39 triệu USD, trích từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB), để chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Liban Hassan Diab thông báo kế hoạch trên, đồng thời cho biết Liban hủy các chuyến bay đến một số nước và tất cả công dân Liban hiện đang ở các nước như Pháp, Anh và Tây Ban Nha có thể hồi hương trong vòng 4 ngày.

Ông cũng chỉ thị các cơ quan nhà nước và các chính quyền địa phương chỉ giữ một số ít nhân viên làm việc để đảm bảo hoạt động; yêu cầu không tụ tập đông người nơi công cộng như các trung tâm mua sắm; đề nghị các lao động trong các ngành nghề sản xuất cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Ngoài ra, Thủ tướng Liban đảm bảo sẽ tăng số bệnh viện có khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Hiện, Liban ghi nhận 61 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo dành 10 tỷ shekel (2,8 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế nước này chống lại các tác động của dịch COVID-19.

Ông Netanyahu nhấn mạnh: "Bên cạnh thách thức y tế, virus SARS-CoV-2 cũng đặt ra thách thức lớn đối với lĩnh vực kinh tế. Số tiền này là khoản hỗ trợ đầu tiên nhằm ổn định nền kinh tế Israel."

Theo kế hoạch, 8 tỷ shekel sẽ được giải ngân dưới dạng các khoản cho vay lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1 tỷ shekel sẽ được dùng để tăng nguồn cung thuốc, mua thiết bị y tế... và 1 tỷ shekel chi cho "các nhu cầu đặc biệt" như quản lý khủng hoảng, liên quan đến cảnh sát, lực lượng cứu hộ và các nhà tù.

Bên cạnh gói hỗ trợ trên, ông Netanyahu cũng thông báo sẽ dành một khoản hỗ trợ riêng cho ngành hàng không Israel bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục