Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 9/8 tuyên bố sẽ hành động nhiều hơn để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và ban hành lệnh cấm các hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa, giấy, kính, thủy tinh và lốp xe.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Morrison cho biết hiện chỉ có khoảng 12% rác thải được tái chế trong nước và ông muốn thay đổi điều đó.
Cùng với lãnh đạo các bang và các vùng lãnh thổ, người đứng đầu Chính phủ Australia khẳng định sẽ vạch kế hoạch để cải thiện hệ thống tái chế rác thải quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng chính phủ Australia tại thành phố Cairns (bang Queensland), Thủ tướng Morrison nói Australia sẽ không xuất khẩu rác nhựa, giấy và thủy tinh sang các quốc gia khác, nơi mà chúng có nguy cơ sẽ bị thả trôi trong các đại dương.
[Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến 2030]
Thay vào đó, Chính phủ Australia sẽ hợp tác và tham vấn với các bộ, ngành để phát triển kế hoạch thay đổi cách xử lý rác thải thông qua hoạt động tái chế tại chỗ.
Theo ông Morrison, việc tăng cường hoạt động tái chế trong nước sẽ không những giúp xử lý vấn đề bảo vệ môi trường, mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho người dân. Thay vì mất chi phí để chuyển rác thải ra nước ngoài, việc tái chế nhựa và một số nguyên liệu khác có thể tạo ra các loại bao bì mới, đồ nội thất hoặc thậm chí là các nguyên liệu sử dụng cho ngành giao thông đường sắt và nhựa rải đường...
Năm 2018, Australia đã xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn rác thải ra nước ngoài, trong đó phần lớn được gửi đến các nước đang phát triển. Tổng chi phí để trả cho các hoạt động này lên đến 2,8 tỷ AUS (1,88 tỷ USD).
Rác thải đang trở thành một trong những vấn đề lớn của toàn cầu, sau khi Trung Quốc, thị trường nhập khẩu rác lớn nhất thế giới, tuyên bố đóng cửa. Tại Australia, ngành tái chế rác thải đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng, khi đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc.
Công ty SKM, một công ty chuyên xử lý khoảng một nửa số rác thải tái chế tại bang Victoria, đã phải ngừng nhận vật liệu do quá tải, trong khi các nhà máy khác hiện chưa đủ công suất hoặc mới chỉ đang trong quá trình xây dựng./.