Phát biểu trước báo giới sáng 14/10, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết chính phủ nước này tái khẳng định cam kết tìm công lý cho các nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines vào tháng 7/2014 bằng cách thành lập tòa án quốc tế theo sự ủy quyền của Liên hợp quốc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ủy ban An toàn Hà Lan công bố báo cáo cuối cùng kết luận máy bay MH17 gặp nạn là do tên lửa Buk được bắn lên từ phía Đông Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Bishop, báo cáo của Hà Lan chỉ đưa ra thông tin rằng máy bay bị tên lửa đất đối không bắn hạ, đầu đạn 9M314M được bắn ra từ bệ phóng tên lửa đất đối không BUK, bệ phóng này được đặt ở khu vực bán kính 320km2 ở miền Đông Ukraine, mà chưa chỉ rõ những ai phải chịu trách nhiệm hình sự đối với việc máy bay bị rơi.
Bà cho biết việc điều tra thủ phạm hiện đang được Nhóm điều tra hỗn hợp gồm các nước Australia, Ukraine, Bỉ, Hà Lan và Malaysia thực hiện.
Bà nói: "Chúng tôi hy vọng công việc điều tra sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Không gì có thể cản trở nỗ lực giành lại công bằng của chúng tôi."
Trước đó, trong thông cáo nhân dịp 1 năm xảy ra thảm họa vào tháng Bảy vừa qua, bà Bishop đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành một cuộc điều tra hình sự độc lập về vụ rơi máy bay MH17.
Bà khẳng định việc thành lập một toà án hình sự quốc tế theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc sẽ truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng thế giới sẽ không dung thứ cho những hành động đe doạ hòa bình và an ninh bằng cách gây nguy hiểm cho ngành hàng không dân dụng. Việc thành lập một tòa án như vậy là cách tốt nhất để đảm bảo công bằng cho gia đình các nạn nhân.
Máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở vùng chiến sự miền Đông Ukraine tháng 7/2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 27 người Australia./.