Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 17/9 khẳng định liên minh quốc phòng mới giữa nước này với Anh và Mỹ sẽ "tồn tại vĩnh viễn," trong khi nhấn mạnh chương trình hợp tác 3 bên về chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia của Canberra và Australia sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới.
Phát biểu trên Kênh truyền hình 7 về liên minh quốc phòng vừa được thành lập sau hơn 18 tháng thảo luận, Thủ tướng Morrison nêu rõ: "Liên minh liên quan đến một cam kết rất quan trọng không chỉ trong hôm nay mà còn cho mãi về sau. Đó là lý do tôi gọi đây là mối quan hệ đối tác vĩnh viễn. Đây là một trong những cam kết giữ an toàn và an ninh cho Australia trong tương lai."
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/9 cũng đã thông báo về sự ra đời của liên minh quốc phòng Mỹ-Anh-Australia, theo đó sẽ mở rộng công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại Australia, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và các khả năng thực hiện các nhiệm vụ dưới biển.
[Pháp tố Australia đâm sau lưng khi mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ]
Trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền thông Australia gần đây, Thủ tướng Morrison cũng cho biết nước này đang ứng phó với những thay đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi tranh chấp lãnh thổ đang trở nên nóng hơn và cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Ông Morrison nhấn mạnh: "Chúng tôi quan tâm đến việc đảm bảo các vùng biển và vùng trời quốc tế luôn là khu vực quốc tế, đồng thời nguyên tắc pháp quyền được áp dụng như nhau tại những nơi này."
Theo ông Morrison, Australia muốn đảm bảo không có "vùng cấm" trong các khu vực chịu sự giám sát của luật pháp quốc tế.
Ông nêu rõ: "Điều đó rất quan trọng đối với thương mại, các tuyến cáp biển, máy bay và các vùng trời có thể bay qua. Đó là trật tự mà chúng ta cần giữ gìn, là những điều hòa bình và ổn định mang lại, đồng thời là những gì chúng tôi tìm cách đạt được."
Theo thỏa thuận đối tác quốc phòng nêu trên, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh./.