Australia hủy thỏa thuận của bang Victoria tham gia BRI

Australia tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận của bang Victoria tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với lý do thỏa thuận này không phù hợp với chính sách ngoại giao của Canberra.
Australia hủy thỏa thuận của bang Victoria tham gia BRI ảnh 1Gỗ xẻ xuất khẩu tại bang Victoria, Australia. (Ảnh: AP/TTXVN)

Australia tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận của chính quyền bang Victoria tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với lý do thỏa thuận này không phù hợp với chính sách ngoại giao của Canberra.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong thông báo tối 21/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết bà đã hủy 4 thỏa thuận của chính quyền Victoria, trong đó có hai thỏa thuận liên quan tới BRI là Bản ghi nhớ năm 2018 giữa chính quyền bang và Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc và Thỏa thuận khung năm 2019, được xây dựng dựa trên Bản ghi nhớ năm 2018.

Hai thỏa thuận còn lại là thỏa thuận năm 2004 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo của bang với Iran và thỏa thuận hợp tác khoa học năm 1999 với Syria.

Ngoại trưởng Payne khẳng định cả 4 thỏa thuận này không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc gây bất lợi cho quan hệ đối ngoại của nước này theo quy định của Luật Quan hệ đối ngoại được thông qua vào năm 2020.

[Cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc: Bài học rút ra từ BRI]

Quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Liên bang Australia tiến hành xem xét lại hơn 1.000 thỏa thuận với nước ngoài được thực hiện giữa các bang và vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương và các trường đại học của nước này. 

Ngoại trưởng Payne cho biết bà sẽ tiếp tục đánh giá các thỏa thuận nước ngoài được thông báo trong chương trình bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, nhưng hy vọng "đa số" sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo Hiến pháp Australia, chính phủ liên bang có trách nhiệm trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Các bang thường phụ trách lĩnh vực y tế và giáo dục nhưng trên thực tế thường xuyên xảy ra sự chồng chéo.

Australia đã thực hiện các bước để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này, bao gồm cả việc cấm "gã khổng lồ" viễn thông gây tranh cãi Huawei tham gia dự án triển khai mạng 5G và siết chặt luật đầu tư nước ngoài đối với các tập đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục