Viện Y tế và Phúc lợi Australia (AIHW) ngày 21/3 đã công bố báo cáo về số ca tử vong và nhập viện do tổn thương liên quan đến đồ uống có cồn trong giai đoạn năm 2019-2020 ở nước này, trong đó cho thấy nam giới chiếm hơn 75% số ca tử vong.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2020, có hơn 30.000 ca nhập viện và có 1.950 ca tử vong liên quan đến đồ uống có cồn.
Trong số các ca tử vong, có hơn 1.500 bệnh nhân là nam giới, chiếm tỷ lệ 78%. Đối với các ca nhập viện, tỷ lệ nam giới chiếm 59%.
[Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh]
Báo cáo cho biết nam giới trong độ tuổi từ 45-49 là nhóm có khả năng nhập viện vì các tổn thương do lạm dụng đồ uống có cồn cao nhất, tiếp theo là nhóm phụ nữ cùng độ tuổi và nhóm nam giới từ 20-24 tuổi.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong là do tự tử, chiếm 40% tổng số ca tử vong được ghi nhận ở cả 2 giới, tiếp đến là do ngộ độc rượu.
Ngoài ra, nam giới có nguy cơ tử vong do những tổn thương liên quan đến rượu bia khi tham gia giao thông. Ngã, cố ý tự làm hại bản thân hay hành hung cũng là những lý do thường thấy dẫn đến việc nhập viện do chấn thương liên quan đến loại đồ uống này.
Người phát ngôn của AIHW, bà Heather Swanton, cho biết các số liệu trong báo cáo có thể chưa bao quát được hết, do sự hiện diện của đồ uống có cồn thường bị “phớt lờ” trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân. Hầu hết các tổn thương đều có thể ngăn ngừa được, nhưng việc uống rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương hoặc chấn thương.
Số liệu được ghi nhận vào giai đoạn 2010-2011 cho thấy cứ 100.000 ca chấn thương/tổn thương do sử dụng đồ uống có cồn tại Australia lại có 4,8 ca tử vong. Vào năm 2019-2020, con số này đã tăng lên tới 9,7 ca, nghĩa là tăng hơn gấp đôi.
Đến đầu năm 2020, các biện pháp phong tỏa nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19 bắt đầu được triển khai trên khắp thế giới cũng là lúc tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu bia giảm 10% so với thời kỳ 2018-2019. Số ca nhập viện cũng giảm tới 20% vào tháng 4/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, bà Swanton cho biết điều đáng buồn là tỷ lệ này đã tăng trở lại mức trước đại dịch vào tháng 6/2020, khi Australia nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19./.