Bất chấp bất đồng thương mại gia tăng với Trung Quốc, trong năm tài chính 2020-2021 (tính đến hết tháng 6/2021), xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Australia sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn ghi nhận mức cao kỷ lục, đưa Trung Quốc lần đầu tiên trở thành khách hàng mua LNG lớn nhất của “xứ Chuột túi.”
Báo cáo hàng tháng của Công ty tư vấn EnergyQuest (Australia) trích dẫn số liệu nhập khẩu từ những khách hàng lớn cho biết trong giai đoạn 2020- 2021, tổng khối lượng LNG xuất khẩu từ Australia sang Trung Quốc đạt 72,4 triệu tấn với giá trị 15,6 tỷ AUD (10,6 tỷ USD). Mức trên chiếm gần một nửa trong tổng số 38,9 tỷ AUD (26,45 tỷ USD) giá trị xuất khẩu LNG của Australia sang toàn khu vực Bắc Á.
Tuy nhiên, giá trị này vẫn thấp hơn so với một năm trước đó, do giai đoạn 2019 - 2020 giá dầu thế giới giảm và dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Đầu năm nay, các nhà quan sát đã khuyến cáo những gia tăng bất đồng trong mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu LNG. Một số thông tin bên lề tiết lộ ít nhất hai trong số các nhà nhập khẩu LNG quy mô nhỏ của Trung Quốc đã nhận yêu cầu từ các nhà chức trách về việc tránh không mua thêm hàng từ Australia.
Dù vậy, số liệu của EnergyQuest và tuyên bố từ hai nhà xuất khẩu LNG lớn nhất Australia là Woodside Petroleum và Santos khẳng định nhu cầu nhập khẩu LNG của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn rất cao.
Giám đốc điều hành EnergyQuest, ông Graeme Bathune đã liên tục chỉ ra rằng sự thiếu hụt khí gas để chế biến thành LNG tại một số nhà máy của Australia là mối nguy lớn nhất đối với xuất khẩu của "xứ Chuột túi." Rủi ro đó còn cao hơn là bất đồng thương mại với Trung Quốc, hay mục tiêu cắt giảm khí thải của các quốc gia châu Á lớn khác như Nhật Bản.
[Korea Shipbuilding giành được đơn đặt hàng trị giá 1,2 tỷ USD]
EnergyQuest lưu ý xuất khẩu LNG thực tế của Australia sang Trung Quốc cao hơn nhiều so với số lượng ghi nhận trong các hợp đồng dài hạn đã được công bố trước đó, ở mức 19,4 triệu tấn. Điều này cho thấy rằng người mua Trung Quốc đang nhập khẩu thêm LNG của Australia từ cả một số nguồn cung thứ cấp và thông qua hợp đồng bán giao ngay.
Trong số bốn liên doanh LNG của Australia có hợp đồng mua bán dài hạn với Trung Quốc, ba liên doanh là North West Shelf, QCLNG và Australia Pacific LNG đã cung cấp nhiều hơn khối lượng được ký trong hợp đồng.
Ngoài ra, mọi dự án LNG khác của Australia đều ghi nhận có vận chuyển hàng hóa cho người mua Trung Quốc, ngay cả khi các công ty này không có hợp đồng cụ thể với thị trường lớn nhất châu Á.
Ví dụ, dự án QCLNG ở Gladstone (bang Queensland) đã cung cấp 6,9 triệu tấn LNG cho Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2021. Con số này gần gấp đôi so với mức 3,6 triệu tấn trong hợp đồng mua bán đã ký kết, với khối lượng bổ sung thuộc doanh số bán danh mục đầu tư của công ty Shell nằm trong liên doanh với QCLNG.
Trước khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Australia, vị trí này thuộc về Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện Nhật Bản đã giảm khối lượng nhập khẩu LNG do muốn tập trung cho mục tiêu giảm khí phát thải và những ảnh hưởng đáng kể của đại dịch.
EnergyQuest cho biết vào năm nay, Trung Quốc nhiều khả năng không chỉ là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Australia mà là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, thay thế Nhật Bản. Nhưng tổng khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn thấp hơn một chút so với khối lượng xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm tài chính trước đó.
Trong giai đoạn 2020-2021, giá bán trung bình LNG của Australia xuất sang Trung Quốc đã giảm 20%, xuống còn 6,66 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (BTU), rẻ hơn một chút so với giá xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giá LNG giao ngay tại khu vực Bắc Á đã tăng mạnh trong suốt mùa hè năm nay. Ngày 30/7, LNG giao ngay được giao dịch ở mức giá 15,7 USD/triệu BTU và kể từ đó đến nay đã tăng thêm lên khoảng 17 USD/triệu BTU./.