Australia hỗ trợ Đắk Nông phát triển cây càphê và hồ tiêu

Đắk Nông đề xuất với Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia hỗ trợ tỉnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc về phát triển hồ tiêu, càphê.
Australia hỗ trợ Đắk Nông phát triển cây càphê và hồ tiêu ảnh 1Một cánh đồng hồ tiêu tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, chết trụi hàng chục nghìn gốc. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngày 22/11, Đoàn công tác của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (gọi tắt là ACIAR) đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông về chiến lược và kế hoạch phát triển nông nghiệp; hiện trạng, định hướng phát triển cây càphê, hồ tiêu trên địa bàn nhằm phục vụ cho kế hoạch nghiên cứu xây dựng các dự án hỗ trợ tỉnh Đắk Nông trong phát triển bền vững cây càphê và hồ tiêu.

Tại buổi làm việc, hai bên tập trung phân tích những khó khăn trong phát triển càphê và hồ tiêu.

Sản xuất càphê và hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phần lớn không theo quy hoạch. Một lượng khá lớn diện tích càphê và hồ tiêu trồng tại những vị trí có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với những loại cây này nên năng suất, chất lượng không cao.

Hơn nữa, nhà sản xuất chưa chú trọng đến xử lý và cải tạo đất; chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật... làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu và càphê; phát sinh và lây lan một số bệnh hại. Đặc biệt, diện tích tiêu chết không ngừng tăng.

[Cây tiêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho nông dân Tây Nguyên]

Thống kê đến giữa tháng 11/2018, tại Đắk Nông đã có hơn 1.000ha hồ tiêu bị chết, hơn 2.600ha hồ tiêu bị nhiễm các loại bệnh do virus. Diện tích hồ tiêu bị chết chiếm 7,7% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khâu thu hái, bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ còn yếu nên giá trị sản phẩm đạt thấp. Ngoài ra, thu hoạch hồ tiêu chủ yếu sơ chế thô; hệ thống thu mua thông qua các đại lý, thương lái. Việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch đối với sản phẩm hồ tiêu chưa được chú trọng nên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

Từ thực trạng này, Đắk Nông đề xuất với Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia hỗ trợ tỉnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc về phát triển hồ tiêu, càphê.

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông mong muốn, Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu lai tạo và chọn lọc các giống càphê, hồ tiêu phục vụ vùng trồng trọng điểm; nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, hỗ trợ áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất bền vững, thực hành nông nghiệp tốt; hỗ trợ kết nối thị trường cung-cầu, liên kết sản xuất, đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và doanh nghiệp.

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia sẽ hỗ trợ tỉnh Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung thực hiện dự án nghiên cứu phát triển càphê, hồ tiêu bền vững theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Dự án hướng đến ba mục tiêu phát triển gói kỹ thuật tổng hợp, khép kín theo chuỗi sản xuất, định hướng chất lượng, hiệu quả; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và thương mại; phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao chuỗi giá trị càphê và hồ tiêu. Thời gian triển khai dự án trong 10 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục