Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Australia thông báo chính phủ nước này sẽ đóng góp 29 triệu AUD (18,9 triệu USD) từ Quỹ Khẩn cấp Nhân đạo cho các đối tác ở Trung Đông và châu Phi.
Theo thông báo trên, hơn một nửa số tiền tài trợ (15 triệu AUD) sẽ được dùng để giải quyết các nhu cầu nhân đạo, di dời và bảo vệ của người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Kenya, Ethiopia và Somalia.
Australia dành khoảng 4 triệu AUD cung cấp thực phẩm và hỗ trợ dinh dưỡng cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Yemen.
Phần còn lại (10 triệu AUD) hỗ trợ lương thực cho Liban và Jordan.
[An ninh lương thực là vấn đề sống còn của các quốc gia Arab]
Theo chính phủ Australia, số người trên toàn cầu có nguy cơ mất an ninh lương thực cấp tính đã tăng lên 350 triệu người kể từ đại dịch COVID-19.
Ngoại trưởng Penny Wong cho biết: “Xung đột và biến đổi khí hậu đang thúc đẩy nhu cầu nhân đạo ở mức độ chưa từng có, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Đông. Australia đang sử dụng tất cả các yếu tố trong sức mạnh quốc gia để định hình thế giới tốt đẹp hơn, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người dễ bị tổn thương nhất.”
Trong một diễn biến liên quan, hôm 17/5, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ở Geneva, Giám đốc phụ trách điều phối, ông Ramesh Rajasingham cho biết kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc đang cần 2,56 tỷ USD để trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh tại Sudan./.