Australia cần làm gì khi quan hệ với Trung Quốc lao dốc?

Đã đến lúc Australia cần phải đẩy mạnh và táo bạo hơn khi muốn nâng cao vai trò chiến lược của họ tại khu vực Nam Thái Bình Dương nói chung và tại Papua New Guinea nói riêng.
Australia cần làm gì khi quan hệ với Trung Quốc lao dốc? ảnh 1Trung Quốc đang thúc đẩy thỏa thuận với chính phủ Papua New Guinea. (Nguồn: mining.com)

Trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia Jeffrey Wall, trong đó cho rằng nếu mối quan hệ của Australia với Trung Quốc tiếp tục xấu đi, có thể Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách tăng cường nỗ lực thách thức các lợi ích chiến lược của Australia ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Điều này đã xảy ra ở Papua New Guinea (PNG), Quần đảo Solomon, Vanuatu và Fiji, những nước láng giềng chiến lược và gần gũi nhất của Australia.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Australia trong việc đối phó với các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực cần được tính toán lại.

Các chương trình viện trợ của Australia như sáng kiến Bước tiến Thái Bình Dương mặc dù được đánh giá là rất “hào phóng” nhưng dường như không đủ để thách thức và làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Đã đến lúc Australia cần phải đẩy mạnh và táo bạo hơn khi muốn nâng cao vai trò chiến lược của họ tại khu vực Nam Thái Bình Dương nói chung và tại Papua New Guinea nói riêng.

[Nguy cơ cắt đứt liên lạc ngoại giao Australia-Trung Quốc]

Chương trình viện trợ cho Papua New Guinea 600 triệu AUD/năm (khoảng 433 triệu USD) của Australia cần một sự tái cấu trúc lớn.

Chương trình này mặc dù đang được tiến hành hiệu quả ở Papua New Guinea và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện vai trò của Australia tại Papua New Guinea nhưng không giúp được gì nhiều trong việc giảm thiểu vai trò của Trung Quốc tại Papua New Guinea, đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, nông nghiệp và truyền thông.

Gần đây, ông trùm khai thác mỏ của Australia Andrew Forrest đã có chuyến thăm Papua New Guinea và ký một biên bản ghi nhớ với thủ tướng Papua New Guinea để có thể tham gia xây dựng công trình thủy điện Purari.

Dự án này được thực hiện tại tỉnh Gulf có vị trí gần với Australia đã được đề xuất từ lâu.

Công ty Origin Energy đã dành một số nguồn lực cho đề xuất này cách đây một thập kỷ, nhưng điều đáng buồn là hoạt động của họ không đạt hiệu quả.

Chính quyền bang Queensland vào thời điểm đó cũng quan tâm đến một số công ty khai thác mỏ, nhưng mọi việc cũng không tiến triển.

Chính phủ Papua New Guinea đã khơi dậy sự quan tâm đến dự án thông qua công ty cổ phần doanh nghiệp nhà nước của nước này là Kumul Consolidated Holdings.

Tuy nhiên, chính phủ Australia không nên chỉ dựa vào ông Forrest để thúc đẩy đề xuất.

Dự án Purari nên là một dự án lớn để nâng cao vai trò của Australia đối với Papua New Guinea theo cách thực sự giúp quốc gia láng giềng có thể cung cấp điện giá cả phải chăng cho người dân và các doanh nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội thực sự cho quá trình chế biến ở hạ nguồn, bao gồm chế biến quặng sắt và bôxít từ Australia.

Nếu Australia chấp nhận dự án này, cùng với sự liên kết với các ngân hàng, công ty xây dựng và lĩnh vực khoáng sản, Trung Quốc sẽ không có khả năng đầu tư vào dự án này của Papua New Guinea.

Lợi thế khác của việc nghiêm túc xem xét dự án Purari là sẽ giảm bớt khả năng hiện thực hóa một dự án thủy điện khác mà Trung Quốc đang thúc đẩy không ngừng với chính phủ Papua New Guinea - nhà máy thủy điện Ramu 2.

Phê duyệt ban đầu cho dự án Ramu 2 đã được trao vào năm 2015 cho một tập đoàn xây dựng Trung Quốc, với sự tài trợ của ngân hàng Trung Quốc Exim Bank.

Ramu 2 có thể sẽ khiến công ty quốc gia Papua New Guinea Power phát sản, do nhu cầu năng lượng hạn chế và chi phí xây dựng ước tính khoảng 2 tỷ USD.

Purari, nếu được tài trợ và phát triển hợp lý, có thể đáp ứng các nhu cầu năng lượng chính của Papua New Guinea trong nhiều năm tới ngay cả với sự phát triển theo từng giai đoạn trong khoảng thời gian nhiều năm.

Một dự án thứ hai có tầm ảnh hưởng và tác động lớn mà Australia có thể xem xét là tái phát triển các trường đại học của Papua New Guinea, vốn thường xuyên bị thiếu vốn trong nhiều năm.

Hiện có một số bằng chứng về sự quan tâm của Trung Quốc đối với lĩnh vực giáo dục đại học, xây dựng dựa trên dự án trường học lớn ở thủ đô Port Moresby và các dự án nhỏ hơn ở các vùng khác của đất nước.

Năm 2010, chính phủ Australia và Papua New Guinea đã khởi động việc đánh giá lĩnh vực giáo dục đại học của Papua New Guinea.

Đến nay, Australia đã cung cấp một số nguồn tài trợ bổ sung cho Papua New Guinea.

Ngoài các dự án lớn được lựa chọn, chắc chắn Australia - với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - sẽ phải có các cuộc thảo luận thẳng thắn với chính phủ Papua New Guinea về khả năng giúp Papua New Guinea thoát khỏi hoặc ít nhất là giảm thiểu các khoản nợ đối với Trung Quốc.

Papua New Guinea hiện có tổng nợ công lên đến gần 40 tỷ Kina (khoảng 10,8 tỷ USD), chiếm khoảng 40% GDP quốc gia.

Một mức tỷ trọng đáng kể và ngày càng tăng là các khoản vay từ Trung Quốc trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và nông nghiệp.

Các khoản nợ này không bao gồm toàn bộ tác động của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Papua New Guinea đã đăng ký tham gia với Trung Quốc vào năm 2018.

Papua New Guinea nợ Trung Quốc khoảng 2,5 tỷ Kina (790 triệu USD) tính riêng cho các dự án về truyền thông - nhiều dự án trong số đó có nhiều thiếu sót - và hàng trăm triệu trong các dự án đường bộ đang được triển khai.

Năng lực của chính phủ và các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước, chưa nói đến các chính quyền cấp tỉnh, trong việc giải quyết các khoản nợ hiện có của Papua New Guinea đối với Trung Quốc đang bị nghi ngờ.

Những gì được đề xuất và hứa hẹn cùng năng lực quản lý nợ không chỉ là vấn đề đối với Papua New Guinea.

Australia có thể cần phải đổi mới trong các cuộc thảo luận với Papua New Guinea về việc giảm phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc và ngăn chặn các khoản nợ đó tăng lên.

Papua New Guinea đã miễn cưỡng đồng ý với một gói tái cơ cấu do IMF dẫn đầu có thể bao gồm việc phá giá đồng nội tệ và cắt giảm khu vực công.

Tuy nhiên, Papua New Guinea có thể có ít sự thay thế, ngoài một gói cứu trợ từ Trung Quốc, vốn nằm trong chương trình nghị sự năm 2019.

Những đề xuất trên tập trung chủ yếu vào Papua New Guinea nhưng có mức độ liên quan tương tự với mối quan hệ của Australia với các quốc gia Nam Thái Bình Dương khác.

Ưu tiên trước mắt của Australia phải là xem xét các dự án lớn và táo bạo nhằm nâng cao ảnh hưởng của Australia và hỗ trợ các quốc gia Thái Bình Dương trong các lĩnh vực quan trọng vào thời điểm khi họ đang bị thách thức nghiêm trọng về mặt kinh tế và chiến lược./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục