Australia buộc tội khủng bố với 3 đối tượng đốt đền thờ Hồi giáo

Cảnh sát Australia ngày 20/8 đã cáo buộc 3 đối tượng phạm tội khủng bố do phóng hỏa một đền thờ Hồi giáo dòng Shii'te ở Menbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, hồi năm ngoái.
Australia buộc tội khủng bố với 3 đối tượng đốt đền thờ Hồi giáo ảnh 1Lực lượng cảnh sát Australia. (Nguồn: AP)

Cảnh sát Australia ngày 20/8 đã cáo buộc 3 đối tượng phạm tội khủng bố do phóng hỏa một đền thờ Hồi giáo dòng Shii'te ở Menbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, hồi năm ngoái. ​

Trong số các đối tượng trên, 2 đối tượng đã bị bắt và đang chờ ra tòa xét xử do bị cáo buộc âm mưu đánh bom khủng bố vào dịp Giáng sinh năm 2016 ở Melbourne.

Hai đối tượng này cũng sẽ bị buộc tội khủng bố do phóng hỏa Trung tâm Hồi giáo Imam Ali ở Melbourne hồi tháng 11 và tháng 12/2016. Đối tượng thứ ba vừa bị cảnh sát Australia bắt chiều 19/8 liên quan đến vụ tấn công Trung tâm Hồi giáo Imam Ali hồi tháng 12/2016.

Cảnh sát Australia cho biết bà đối tượng này đều bị tiêm nhiễm tư tưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và có ý định chia rẽ cộng đồng người Hồi giáo. Nếu bị kết tội, ba đối tượng này có thể đối mặt với án tù chung thân.

[Australia phát hiện âm mưu khủng bố hóa học cực độc của IS]

Theo Trợ lý Cảnh sát liên bang Australia, Ian McCartney, việc tấn công vào một địa điểm tôn giáo trang nghiêm là không chấp nhận được trong xã hội hiện nay.

Rõ ràng, các vụ tấn công kiểu này là nhằm đe dọa và gây ảnh hưởng tới những người đến đền cầu nguyện, hoặc nói rộng ra là tới cộng đồng người Hồi giáo.

Kể từ năm 2014, Australia đã được đặt trong tình trạng cảnh giáo cao độ do các vụ tấn công liên quan đến các tay súng thánh chiến trở về quê nhà sau khi tham chiến ở Trung Đông hoặc những phần tử ủng hộ chúng.

Theo các quan chức Australia, kể từ đó đến nay, cảnh sát nước này đã phá vỡ 13 âm mưu tấn công khủng bố quy mô ở trong nước.

Gần đây nhất, hồi cuối tháng 7 vừa qua, cảnh sát Australia đã chặn đứng âm mưu làm rơi máy bay khởi hành từ Sydney bằng thiết bị nổ tự tạo. 

Một vụ tấn công bắt cóc con tin hồi năm 2014 tại một quán cà phê ở Sydney khiến 2 người thiệt mạng được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất do các phần tử IS tiến hành ở Australia.

Tại Italy, nhà chức trách nước này ngày 19/8 thông báo đã trục xuất 2 người Maroc và một người Syria vì lý do an ninh, nâng tổng số người Hồi giáo thuộc diện "đối tượng nguy hiểm tiềm tàng" bị trục xuất khỏi nước này lên 202 người kể từ tháng 1/2015.

Italy đưa ra thông báo trên sau khi xảy ra vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 17/8 vừa qua khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và gần 140 người khác bị thương, cũng như các vụ tấn công khủng bố xảy ra trước đó ở nhiều nước trên thế giới. IS đe dọa Italy sẽ mục tiêu tấn công tiếp theo của tổ chức này.

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 1/2017, một ủy ban của Chính phủ Italy cho rằng nước này ít có nguy cơ bị các phần tử cực đoan trong nước tấn công hơn so với các nước láng giềng.

Mặc dù Italy chưa xảy ra một cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo thánh chiến, nhưng 1 công dân nước này bị thiệt mạng và 1.500 người bị thương trong một vụ giẫm đạp sau khi nhận được lời đe dọa đánh bom tại một quảng trường ở thành phố Turin hồi tháng 6 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục