Australia ban hành Bộ quy tắc chống thông tin sai lệch trên Internet

Nhiều biện pháp để chống lại các nguồn tin không chính xác đã được thiết lập, như gắn nhãn nội dung sai sự thật, hoặc sử dụng các chỉ số tin cậy trên các bài báo, giảm mức độ hiển thị nội dung...
Australia ban hành Bộ quy tắc chống thông tin sai lệch trên Internet ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tập đoàn Công nghiệp Kỹ thuật số (DIGI) của Australia vừa ban hành Bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch, với sự tham gia của các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok, Twitter và Redbubble.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 22/2, bà Sunita Bose, Giám đốc điều hành của DIGI, cho biết Bộ quy tắc được thiết kế nhằm giảm sự lan truyền thông tin sai lệch và các nội dung độc hại trên Internet, cung cấp cho các công ty công nghệ một khuôn khổ nhất quán và minh bạch, giúp họ nhanh chóng đưa ra cảnh báo thường xuyên đối với người dùng về mức độ đáng tin cậy của các nguồn thông tin báo chí và quảng cáo.

Bà Bose nhấn mạnh các công ty tham gia cam kết thực hiện những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ chống lại thông tin độc hại và sai lệch, cũng như bảo vệ quyền riêng tư, tự do ngôn luận và giao tiếp chính trị.

Dựa trên Bộ quy tắc mới, rất nhiều biện pháp cụ thể để chống lại các nguồn tin không chính xác đã được thiết lập, như gắn nhãn nội dung sai sự thật, hoặc sử dụng các chỉ số tin cậy trên các bài báo, giảm mức độ hiển thị nội dung có khả năng khiến người dùng tiếp nhận phải thông tin độc hại và sai lệch, đồng thời, đình chỉ, vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản người dùng có hành vi phát tán thông tin độc hại, thông tin không xác thực.

Tất cả các bên tham gia ký kết được yêu cầu công bố thông tin cho người dùng liên quan đến những biện pháp mà họ thực hiện và sẽ phát hành báo cáo hằng năm về những nỗ lực này.

[Facebook có thể bị kiện tập thể vì hành vi xóa tin tức]

Họ cũng sẽ thiết lập các quy định để xử lý việc không tuân thủ Bộ quy tắc. Bên cạnh đó, các đại gia công nghệ cũng cam kết ưu tiên cho các nguồn tin tức đáng tin cậy, đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác kiểm tra thực tế thông tin…

Giám đốc điều hành DIGI chia sẻ Bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch triển khai theo yêu cầu của Chính phủ Australia từ tháng 12/2020 và được giám sát bởi Cơ quan quản lý truyền thông Australia.

Chủ tịch Cơ quan Truyền thông và Báo chí Australia Nerida O’Loughlin đã lên tiếng hoan nghênh Bộ quy tắc mới và khuyến khích tất cả các nền tảng công nghệ tham gia. Theo bà, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy những tổn hại nghiêm trọng mà nguồn thông tin sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội trực tuyến có thể gây ra, đặc biệt là với những nhóm người dễ bị tổn thương.

Sau khi chính thức ban hành Bộ quy tắc, DIGI dự kiến sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của công chúng, các chuyên gia và chính phủ để hoàn thiện hơn nữa Bộ quy tắc này.

Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher cho biết Canberra sẽ đánh giá cẩn thận xem liệu Bộ quy tắc có hiệu quả trong việc cung cấp các biện pháp bảo vệ chống lại những tác hại nghiêm trọng phát sinh từ việc lan truyền thông tin độc hại và thông tin sai lệch trên các nền tảng kỹ thuật số hay không.

Là hai trong số các đại gia công nghệ đã tham gia ký kết với DIGI, nhưng Google và Facebook đang trong thời gian chờ đợi những điều chỉnh đối với luật quy định việc trả phí nội dung tin tức cho các công ty truyền thông nội địa mà Hạ viện Australia thông qua ngày 16/2.

Liên quan tới luật này, ngày 18/2, gã khổng lồ mạng xã hội Facebook đã bất ngờ hạn chế toàn bộ trang thông tin thuộc các tổ chức báo chí, truyền thông Australia xuất hiện trên nền tảng của mình, ảnh hưởng đến cả một số trang thông tin về tuyên truyền về sức khỏe và đại dịch.

Vì vậy, hiện chưa rõ bằng cách nào Facebook có thể đáp ứng các cam kết về Bộ quy tắc chống thông tin sai lệch mới trong trường hợp không cho tin tức xuất hiện trên nền tảng của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục