AUKUS và bài toán an ninh năng lượng của Trung Quốc

Trong ngắn hạn, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm trả đũa Australia vì tham gia AUKUS có thể chỉ thành công trong việc khắc phục một điểm yếu nhưng lại để lộ ra điểm yếu khác.
AUKUS và bài toán an ninh năng lượng của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vestnikkavkaza.net)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn liên quan đến an ninh năng lượng nếu nước này vẫn cố trả đũa Australia sau khi Canberra có kế hoạch mua lại công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Anh và Mỹ.

Ngày 16/9, Bắc Kinh đã phản ứng với thông báo được đưa ra trước đó một ngày rằng Australia sẽ tham gia thỏa thuận liên minh an ninh ba bên AUKUS (gồm Australia, Anh, Mỹ), theo đó lên kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân “để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Trung Quốc không tin vào tuyên bố từ giới chức cấp cao của Mỹ rằng sáng kiến an ninh nói trên “không nhắm đến hoặc ám chỉ bất kỳ nước nào."

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên cho rằng thỏa thuận tàu ngầm “đã phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực, làm leo thang chạy đua vũ trang và phá hoại các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế… Trung Quốc luôn tin rằng bất kỳ cơ chế khu vực nào cũng phải… góp phần nâng cao sự tin cậy và hợp tác giữa các nước trong khu vực, không nên nhắm đến hoặc làm suy giảm lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào."

Truyền thông phương Tây giải thích AUKUS là một phản ứng đối với hoạt động xây dựng quân sự và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tờ The Guardian của Anh cho biết theo kế hoạch nhằm cung cấp cho Canberra những tàu ngầm có sức mạnh và khả năng tàng hình tốt hơn, “Australia có thể tiến hành tuần tra định kỳ qua các khu vực trên Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ, kéo dài về phía Bắc đến Đài Loan."

Mặc dù phải đến cuối thập kỷ tới, các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường nói trên mới có thể được đưa vào hoạt động, song kế hoạch này có khả năng mở ra một chương mới trong chiến dịch trả đũa của Trung Quốc nhắm vào các lợi ích kinh tế và thương mại của Australia trong thời gian tới.

Bất chấp việc hai nước đã ký hiệp định thương mại tự do từ năm 2015, Trung Quốc vẫn trừng phạt Australia để trả đũa một số động thái như hỗ trợ những người bất đồng chính kiến dân chủ ở Hong Kong cho đến kêu gọi điều tra nguồn gốc của COVID-19.

Trong 2 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Australia như rượu vang, lúa mạch, tôm hùm, đồng và than đá. Các biện pháp trả đũa trên chủ yếu tập trung vào những sản phẩm mà Bắc Kinh có thể từ bỏ, mặc dù giới phân tích đang tranh luận về việc liệu lệnh cấm đối với than của Australia có thể gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá đối với mặt hàng nhiên liệu chính của Trung Quốc trong năm nay hay không.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn cân nhắc kỹ việc hạn chế nhập khẩu quặng sắt - vốn là mặt hàng không thể thay thế của Australia - do lo ngại điều này có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp thép trong nước. Tuy nhiên, ngay cả mặt hàng được xem là “chỗ dựa” cho Australia này cũng có thể bị đe dọa khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép để đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải, trong khi lĩnh vực phát triển bất động sản cũng suy yếu do nguy cơ nợ gia tăng.

Xung đột thương mại

Hãng tin PMN Business cho biết tính đến giữa tháng 9/2021, giá quặng sắt đã giảm hai con số sau các báo cáo về việc Trung Quốc mở rộng kiểm soát ngành sản xuất. Khi Trung Quốc không còn lĩnh vực nào nằm trong danh mục trừng phạt thương mại an toàn đối với Australia, nước này có thể tiếp tục trả đũa nhắm vào nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), mặt hàng nhập khẩu đứng thứ hai chỉ sau quặng sắt.

Theo cơ quan tư vấn năng lượng Wood Mackenzie có trụ sở tại Anh, hiện Australia vẫn là nhà cung cấp LNG hàng đầu cho Trung Quốc, chiếm 45% tổng sản lượng nhập khẩu LNG của nước này, trước khi giảm xuống còn 43% trong thời gian gần đây.

Mikkal Herberg, Giám đốc phụ trách an ninh năng lượng của Cục Nghiên cứu quốc gia về châu Á có trụ sở tại Seattle (Mỹ), cho biết: “Tôi không nghĩ Trung Quốc có đủ khả năng để ngay lập tức cắt giảm nhập khẩu LNG của Australia… Mùa Đông năm nay sẽ là một thảm họa nếu (Trung Quốc) làm như vậy. Về cơ bản, LNG đã được bán hết trên toàn cầu."

Tháng 5 vừa qua, hãng Bloomberg báo cáo hai trong số các doanh nghiệp thương mại nhỏ của Trung Quốc đã được yêu cầu tránh mua các lô hàng LNG mới từ Australia, mặc dù không có tín hiệu tương tự nào được gửi đến các nhà nhập khẩu lớn của nước này, các công ty dầu mỏ quốc gia (NOC).

Trong một bài đăng vào tháng 6/2021, Wood Mackenzie cho biết mặc dù báo cáo về lệnh hạn chế nhập khẩu LNG “chưa được xác nhận," nhưng có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ gây sức ép bằng các biện pháp mạnh tay hơn trong tương lai.

Trong năm nay, khả năng Trung Quốc nhắm đến LNG của Australia đã được theo dõi chặt chẽ do sự xung đột của nhiều yếu tố. Sau đợt sụt giảm nhiên liệu kéo dài đến hết tháng 2/2021, việc giá LNG tại châu Á tăng cao kỷ lục đã khiến Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nước nhập khẩu nhiều nhất đối với mặt hàng này. Mức giá tăng cao đã khiến một số nhà nhập khẩu của Trung Quốc phải miễn cưỡng mua thêm LNG.

Tuy nhiên, tâm lý tích trữ trước mùa Đông kết hợp với áp lực cắt giảm lượng khí thải carbon từ than đá đã đẩy giá LNG lên cao hơn. Trong khi đó, giá khí đốt cao kỷ lục, mức dự trữ thấp và tình trạng thiếu hụt ở châu Âu càng khiến tình hình thêm khó khăn. S&P Global Platts cho biết một số doanh nghiệp nhập khẩu hy vọng mức giá LNG tăng cao sẽ thúc đẩy chuyển đổi nhiên liệu và kiềm chế nhu cầu.

Năng lượng và khí hậu

 Mặc dù vậy, nhu cầu của Trung Quốc đối với cả khí đốt và LNG vẫn ở mức cao bất chấp chi phí tăng, do nước này phải đối mặt với áp lực hạn chế sử dụng than và đáp ứng các mục tiêu khí hậu.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu khí đốt hỗn hợp đã tăng 22,2% so với năm 2020, chiếm hơn 44% nguồn cung nhiên liệu của nước này. Báo cáo của Tạp chí Tài chính Australia cũng cho thấy sản lượng LNG xuất khẩu từ Australia đến Trung Quốc đã tăng trong tháng 8 khi nhiều hơn 9 lô hàng so với tháng 7.

Trang lngprime.com cho biết căn cứ vào số liệu hải quan, sản lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc tăng 23,3% trong tháng 8/2021. Trong dài hạn, thỏa thuận tàu ngầm mới của Australia sẽ đặt ra thách thức chiến lược về an ninh năng lượng đối với Trung Quốc.

Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông đã thay đổi một phần do nhu cầu về nhiên liệu từ bên ngoài, cũng như yêu cầu về kiểm soát các tuyến đường thương mại trọng yếu phục vụ cho nhập khẩu năng lượng. Tuy nhiên, với việc hạm đội tàu ngầm của Australia sẽ tuần tra định kỳ trên các vùng biển tranh chấp, các tuyên bố chủ quyền và vấn đề tự do hàng hải vẫn chưa được giải quyết.

[Ba thách thức liên minh AUKUS đặt ra đối với ASEAN]

Trong ngắn hạn, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm trả đũa Australia vì tham gia AUKUS có thể chỉ thành công trong việc khắc phục một điểm yếu nhưng lại để lộ ra điểm yếu khác, bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc của nước này vào nhập khẩu năng lượng thông qua vùng biển tranh chấp. Trong khi việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân của Australia vẫn còn ở tương lai xa, sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.

Herberg nhấn mạnh: “Các mục tiêu sản xuất khí đốt trong nước của họ vẫn là rất tham vọng và cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào khí đốt nhập khẩu… Thật khó để biết khi nào thị trường LNG sẽ được cung cấp đủ để tạo ra bước chuyển đổi khả thi. Chỉ khi thị trường LNG toàn cầu có mức thặng dư lớn thì họ mới có thể dừng nhập khẩu LNG của Australia. Tôi đánh giá LNG có vai trò ngang với quặng sắt của Australia. Sẽ rất khó để Trung Quốc tìm được lựa chọn thay thế quặng sắt của Australia, vì vậy thực ra họ chỉ cố phớt lờ sự mâu thuẫn này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục