Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) đã công bố yêu cầu khẩn cấp về việc cần phải thu gom các loại vũ khí bất hợp pháp mà dân thường đang sở hữu ở châu lục này. Ước tính có tới 40 triệu vũ khí hiện thuộc sở hữu của dân thường trên khắp lục địa này.
Cao ủy của AU về hòa bình và an ninh, ông Smail Chergui đã đưa ra tuyên bố về nội dung nêu trên nhân dịp Tháng ân xá châu Phi, vốn được thực hiện theo chủ đề của AU trong năm 2020 là "Không tiếng súng: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi.”
Tháng ân xá châu Phi, là một nội dung nằm trong khuôn khổ lộ trình tổng thể của AU về việc thực thi các biện pháp nhằm hướng tới một châu Phi không tiếng súng. Đây cũng chính là nội dung được đề cập trong tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 của AU được tổ chức tại Addis Ababa (Ethiopia) vào tháng 7/2017. Tuyên bố nêu rõ rằng tháng 9 hàng năm là Tháng ân xá châu Phi cho những người ra đầu hàng và thu gom vũ khí bất hợp pháp.
[Châu Phi cần nhận thức giá trị để tự quyết định tương lai]
Quan chức của AU cho biết: “Chúng tôi hiện đang tiến hành thu thập vũ khí bất hợp pháp mà dân thường sở hữu. Ủy ban Hòa bình và An ninh AU, phối hợp với Cơ quan khảo sát vũ khí nhỏ, đã thực hiện một nghiên cứu về dòng chảy vũ khí nhỏ bất hợp pháp ở châu Phi trong thời gian gần đây. Nghiên cứu cho thấy rằng có một số lượng lớn vũ khí dân sự được sử dụng ở lục địa này, với ước tính lên tới 40 triệu vào năm 2017”.
Theo AU, 40 triệu vũ khí dân dụng được thống kê nêu trên, vốn được sử dụng ở lục địa châu Phi chiếm khoảng 80% tổng số vũ khí hiện có ở châu lục này. Ông Chergui cho biết thêm: “Con số này bao gồm vũ khí thuộc sở hữu của các cá nhân, các doanh nghiệp đã đăng ký như các công ty an ninh tư nhân và các nhóm vũ trang phi nhà nước”.
Cũng theo số liệu thống kê của AU, trong số 40 triệu vũ khí dân dụng hiện đang được sử dụng, có khoảng 5,8 triệu được ghi nhận là đã được đăng ký chính thức, trong khi có khoảng 16 triệu chưa được đăng ký. Ngoài ra, tình trạng của hơn 18 triệu vũ khí còn lại là không rõ ràng.
Ông Chergui cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến tất cả các thành viên AU lo ngại đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết thách thức này. Theo ông Chergui, đây thực sự là một mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với hòa bình, quản trị và phát triển./.