Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) ngày 30/11 đã nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt phá các đường dây buôn người và hồi hương những người di cư không được xét quy chế tị nạn.
Chi tiết kế hoạch trên, một sáng kiến do Pháp đề xuất, đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AU-EU đang diễn ra ở thủ đô Abidjan của Cote d'Ivoire, với sự tham dự của các lãnh đạo EU cùng đại diện các chính phủ đến từ Cộng hòa Chad, Niger, Maroc, Cộng hòa Congo và Libya.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong kế hoạch trên có việc thành lập một "lực lượng tác chiến" gồm cảnh sát cùng các cơ quan tình báo châu Âu và châu Phi. Lực lượng này sẽ phối hợp bắt giữ các đối tượng tình nghi buôn người, triệt phá đường dây của chúng và chặn đứng việc ủng hộ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Các đại diện tham dự cuộc họp cũng nhất trí xem xét các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối tượng buôn người.
Về phần mình, Chính phủ Libya nhất trí cho phép các cơ quan Liên hợp quốc tiếp cận các lán trại của người di cư tại các khu vực do nước này kiểm soát. Trong khi đó, các quốc gia EU đạt đồng thuận tài trợ cho tiến trình hồi hương người di cư đến từ Libya hiện do Tổ chức Di trú Quốc tế đảm trách.
Trong trường hợp những người di cư có đủ điều kiện tị nạn, họ sẽ được đưa tới Cộng hòa Chad hoặc Niger trước khi được tái định cư tại một nước thứ ba ở châu Âu hoặc ở một khu vực khác.
[Hội nghị thượng đỉnh EU-AU: "Nóng" vấn đề buôn bán nô lệ nhập cư]
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AU- EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã bày tỏ quan ngại về thực trạng những người di cư bị buôn bán như nô lệ. Do đó, ông cho rằng các chính phủ châu Âu và châu Phi cần chịu trách nhiệm chung về vấn đề này.
Hội nghị thượng đỉnh EU-AU diễn ra chỉ hai tuần sau khi kênh truyền thông CNN đăng tải đoạn ghi hình những người châu Phi bị buôn bán như nô lệ tại Libya, làm dấy lên sự phẫn nộ từ các nhà lãnh đạo, cũng như kích động nhiều cuộc biểu tình trên nhiều đường phố ở châu Phi và châu Âu.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm giải quyết các báo cáo gần đây về tình trạng nô lệ tại Libya và cách thức để hợp tác với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và các bên khác để xử lý vấn đề này một cách cấp bách.
AU hiện cáo buộc EU tạo điều kiện cho nạn buôn bán nô lệ cũng như ngược đãi người di cư thông qua việc khuyến khích GNA - chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn, bắt và ngăn cản người di cư trốn sang châu Âu.
Trong khi đó, EU đang gặp rất nhiều khó khăn để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai với hơn 1,5 triệu người nhập cư vào khối này kể từ năm 2015, kéo theo nhiều bất ổn xã hội và làm gia tăng các vụ khủng bố./.