Ngày 24/6, Đặc phái viên Liên minh châu Phi (AU) tại Nam Sudan Jerome Biswaro đã kêu gọi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh đối lập, cựu Phó Tổng thống Riek Machar, nên bỏ qua các lợi ích riêng và tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp để chấm dứt cuộc xung đột hơn 4 năm qua tại quốc gia Đông Phi này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ông Biswaro nhấn mạnh AU mong muốn hai bên cùng nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thực sự trong vòng đàm phán thứ 2 tại thủ đô Khartoum của Sudan trong ngày 25/6.
[Tổng thống Nam Sudan và thủ lĩnh phe đối lập gặp nhau vào tuần tới]
Trước đó, ngày 24/6, thủ lĩnh đối lập Machar đã đến thủ đô Khartoum của Sudan để tiến hành đàm phán với Tổng thống Nam Sudan.
Theo Ngoại trưởng Sudan Dirdiri Mohamed, hai bên dự kiến sẽ xem xét lại các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến các thỏa thuận về an ninh và quyền lãnh đạo.
Ngoài ra, các bên cũng sẽ ưu tiên thảo luận việc khôi phục nền kinh tế Nam Sudan bằng cách tham gia vào các thỏa thuận song phương với Sudan.
Hồi tuần trước, Tổng thống Kiir và thủ lĩnh Machar đã gặp nhau tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia theo lời mời của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Nam Sudan.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 31/5 đã thông qua nghị quyết đe dọa trừng phạt Nam Sudan nếu trong 1 tháng tới các bên xung đột tại nước này không đạt được thỏa thuận hòa bình.
Đây là lần đầu tiên hai nhân vật này gặp nhau kể từ năm 2016 khi một thỏa thuận hòa bình đột ngột sụp đổ khiến hàng trăm người thiệt mạng tại thủ đô Juba.
Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng từ tháng 12/2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Kiir và cựu Phó Tổng thống Machar nổ ra, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.
Xung đột và nội chiến đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến dòng người tìm kiếm tị nạn gia tăng nhanh nhất thế giới.
Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Một thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập đã mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ chỉ 3 tháng sau đó./.