Atlantic công bố gia sản các đời Tổng thống Mỹ

Trong khi một bộ phận trở nên giàu có, không ít vị Tổng thống Mỹ lại rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản sau khi rời nhiệm sở.
Tạp chí Atlantic của Mỹ vừa tiến hành phân tích, đánh giá về gia sản của toàn bộ 43 đời Tổng thống Mỹ, qua đó cho thấy thông tin thú vị: Trong khi một bộ phận trở nên giàu có, không ít vị đứng đầu quốc gia giàu mạnh nhất thế giới lại rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản sau khi rời nhiệm sở.

Người thành triệu phú

Bill Clinton thường mô tả ông là một cậu bé nghèo tới từ vùng Hope, Arkansas. Tuy nhiên đó là quá khứ bởi hiện tại, Bill là một trong những Tổng thống giàu có của nước Mỹ, theo thông tin do một cuộc nghiên cứu về gia sản các lãnh đạo Mỹ do tạp chí Atlantic tiến hành và mới được công bố.

Tài sản của ông Clinton được Atlantic ước tính rơi vào khoảng 38 triệu USD. Với con số “đồ sộ” này, trong vòng 40 năm qua Clinton chỉ đứng sau có các cố Tổng thống John F. Kennedy (đứng đầu danh sách với ước tính tài sản gia tộc Kennedy khoảng 1 tỷ USD) và Lyndon B. Johnson (98 triệu USD).

Trong khi đó, các Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, những người đương thời đôi lúc bị cáo buộc thiên vị giới nhà giàu, lại chết với một gia sản không lớn (Nixon có 15 và Ford sở hữu 7 triệu USD).

Theo Atlantic, Clinton sinh ra không có tài sản thừa kế và cũng kiếm được ít tiền trong 20 năm phục vụ nhân dân. Tuy nhiên sau khi rời Nhà Trắng, ông kiếm bộn tiền nhờ việc viết sách và đi nói chuyện. Riêng việc in cuốn hồi ký dày 1.008 trang, ông đã thu về khoảng 15 triệu USD. Song “thành tích kiếm tiền” của Clinton còn kém xa nhiều bậc tiền bối, trong đó đáng nể nhất là George Washington, Tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Washington không chỉ nhận mức lương “khá khẩm” nhất trong các tổng thống Mỹ (lương ông chiếm 2% ngân sách quốc gia Mỹ hồi năm 1789) mà còn là một người khôn ngoan và may mắn nhất. Atlantic cho biết ông giữ 300 nô lệ làm việc trong trang trại rộng 8.000 mẫu ở Virginia, nơi ông trồng thuốc lá và sản xuất rượu whiskey. Ông cũng được thừa kế nhiều đất đai từ gia đình của vợ Martha. Tờ Atlantic ước tính rằng nếu đã điều chỉnh giá cả theo tốc độ lạm phát, tổng tài sản của Washington phải lên tới 525 triệu USD.

Trong thế kỷ 20, sự giàu có của gia tộc đôi khi đã giúp một Tổng thống Mỹ trở thành triệu phú ngay từ trước khi nhậm chức. Cả Theodore Roosevelt (125 triệu USD) lẫn người cháu của ông là Franklin Roosevelt (60 triệu USD) đều sinh trong một gia đình quý tộc. George H. Bush (23 triệu USD) và con trai George W. Bush (20 triệu USD) đều là hậu duệ của một gia đình lắm tiền nhiều của có gốc từ Massachusetts.

Kẻ khuynh gia bại sản

Không phải ai cũng có may mắn trở thành người giàu. Atlantic đánh giá các Tổng thống Mỹ đối diện với nguy cơ phá sản lớn hơn 20 lần mức trung bình của quốc gia. Phần lớn rắc rối họ gặp phải tới từ các vấn đề như bong bóng bất động sản, mùa màng thất bát, tham gia các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm cao.

Trong 43 Tổng thống Mỹ, có tám người lâm vào cảnh nợ nần không trả nổi trong suốt quãng đời của họ. Đó là Thomas Jefferson, người đam mê những ngôi nhà đắt tiền, các mảnh đất rộng lớn và nhiều món tài sản cá nhân khác để rồi khi ông qua đời, người ta phải đấu giá gia sản để thanh toán tiền nợ.

Tương tự, James Madison đánh giá sai lầm về giá trị bất động sản và cho rằng trang trại của ông có thể cho sản lượng lương thực lớn hơn dự kiến. William Henry Harrison không gặp may khi thời tiết phá hoại các cánh đồng lúa mỳ và ngô của ông. Abraham Lincoln mất hết tiền bạc vì cửa hàng bách hóa do ông mở cùng một bạn làm ăn gặp thất bại. Ulysses Simpson Grant gặp họa khi con trai thuyết phục cha đầu tư 100.000 USD vào một hoạt động làm ăn chung với đối tác Ferdinand Ward để rồi thương vụ đổ bể.

William McKinley dồn tiền của vào một công ty thiếc chỉ để chứng kiến cuộc suy thoái hồi năm 1893 làm khoản đầu tư tan thành mây khói. Harry S. Truman mất những đồng vốn cuối cùng khi cửa hàng kinh doanh quần áo ông sở hữu chung với một bạn làm ăn phá sản... Tuy làm ăn thất bại và nợ nần nhiều, Atlantic cho biết phần lớn các Tổng thống Mỹ đều trọng danh dự và cố gắng dùng hết sức lực để trả nợ chứ không tìm cách “xù đẹp.”

Theo Atlantic, có ít sự liên hệ giữa những thành công tại văn phòng và trong hoạt động kinh doanh của các tổng thống. Đơn cử như Herbert Hoover, người bị chỉ trích đã ban hành các chính sách góp phần gây ra cuộc đại suy thoái kinh tế 1930, đã kiếm bộn tiền nhờ hành nghề khai mỏ.

Tạp chí này cũng cho rằng chiếc ghế tổng thống không gây ảnh hưởng lớn tới sự giàu có của các cá nhân liên quan. “Nhiệm kỳ Tổng thống không tác động nhiều tới sự giàu có,” các tác giả Douglas McIntyre, Michael Sauter và Ashley Allen kết luận: “Vài người có thể mang cả núi tiền khi tới nhậm chức. Rất nhiều người đã mất phần lớn gia sản khi rời nhiệm sở nhưng cũng có người chẳng còn lại chút tiền bạc nào cả.”/.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục