AstraZeneca sắp thực hiện thương vụ mua lại đầu tiên tại Trung Quốc

AstraZeneca sẽ mua lại toàn bộ vốn cổ phần đã pha loãng của Gracell với mức giá 2 USD cho mỗi cổ phiếu phổ thông bằng tiền mặt, cộng thêm 0,3 USD trên mỗi cổ phiếu nếu đạt đến một mốc quy định.

Văn phòng của hãng dược phẩm AstraZeneca ở Macclesfield, Cheshire, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Văn phòng của hãng dược phẩm AstraZeneca ở Macclesfield, Cheshire, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AstraZeneca chuẩn bị thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập đầu tiên của hãng tại Trung Quốc với việc công bố kế hoạch mua Gracell Biotechnology với giá lên tới 1,2 tỷ USD để tăng đầu tư vào các liệu pháp tế bào để điều trị ung thư.

Hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển đang cố gắng tận dụng vị thế là một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất ở Trung Quốc theo doanh số bán để tìm kiếm các giao dịch tiềm năng.

Tuy nhiên, giống như các công ty dược phẩm đối thủ, AstraZeneca chủ yếu ký các thỏa thuận cấp phép cho một số loại thuốc cụ thể chứ không phải mua lại hoàn toàn.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, AstraZeneca sẽ mua lại toàn bộ vốn cổ phần đã pha loãng (chào bán lần thứ hai) của Gracell với mức giá 2 USD cho mỗi cổ phiếu phổ thông bằng tiền mặt, cộng thêm 0,3 USD trên mỗi cổ phiếu nếu đạt đến một mốc quy định.

Trên cơ sở đó thương vụ được định giá ở mức 1,2 tỷ USD. Thỏa thuận dự kiến sẽ kết thúc vào quý 1 năm 2024.

AstraZeneca ngày 26/12 cho biết thương vụ mua lại trên sẽ bổ sung một phương pháp điều trị mới tiềm năng cho bệnh đa u tủy, một loại ung thư tủy xương.

Bà Susan Galbraith, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách nghiên cứu và phát triển (R&D) về ung bướu tại AstraZeneca, cho biết thỏa thuận sẽ đẩy nhanh chiến lược trị liệu tế bào của công ty đối với bệnh ung thư máu. Hãng đang phát triển các phương pháp điều trị tế bào miễn dịch CAR-T mới nhưng khó thực hiện.

Bà cho biết loại thuốc mới này là một “phương pháp điều trị tiềm năng tốt nhất”, sử dụng “quy trình sản xuất khác biệt” và cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn.

Đầu năm nay, Pascal Soriot, Giám đốc điều hành AstraZeneca, bày tỏ sự phấn khích trước sự bùng nổ của các công ty công nghệ sinh học và khoa học đổi mới ở Trung Quốc sau chuyến tham quan nước này.

Ông khẳng định thị trường “hoàn toàn mở cửa” cho đầu tư từ các công ty đa quốc gia như AstraZeneca, đồng thời nói thêm rằng ngành dược phẩm miễn nhiễm trước những căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ.

Vào tháng 8/2023, AstraZeneca đã ký một thỏa thuận với CanSino Biologics của Trung Quốc để sản xuất vaccine mRNA tiềm năng.

Vào tháng 11, nhà sản xuất thuốc này đã công bố thỏa thuận cấp phép với Eccogene có trụ sở tại Thượng Hải cho một loại thuốc trị béo phì tiềm năng, cùng loại với thuốc điều trị giảm cân Wegovy của Novo Nordisk.

Ngành công nghệ sinh học Trung Quốc cũng đang thu hút sự chú ý từ các nhà sản xuất thuốc nước ngoài khác.

Giám đốc thương mại của GSK, Luke Miels, nói với Financial Times trong tháng này rằng hãng dược phẩm Anh đang săn lùng các thỏa thuận ở Trung Quốc và đã xây dựng lại “mối quan hệ rất bền chặt” với chính phủ và các công ty sau vụ bê bối tham nhũng một thập kỷ trước. GSK đã ký ba thỏa thuận trong năm nay với các công ty Trung Quốc, hai thỏa thuận cấp phép và một thỏa thuận phân phối khác.

Ông William Cao, Giám đốc điều hành Gracell, cho biết hãng mong muốn được hợp tác với AstraZeneca “để đẩy nhanh mục tiêu chung là đưa các liệu pháp tế bào biến đổi đến với nhiều bệnh nhân suy kiệt hơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục