Assange kỷ niệm một năm trốn ở sứ quán Ecuador

Julian Assange, người bị cáo buộc công bố thông tin tối mật của Mỹ lên Wikileaks kỷ niệm một năm tị nạn ở sứ quán Ecuador.
Một năm sau khi tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London, Julian Assange vẫn sợ bị “báo thù” vì tiết lộ tin mật và nhận thức rõ rằng tình trạng bế tắc liên quan tới trường hợp của anh sẽ có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

"Tất cả những gì tôi yêu cầu là được đối xử như một người bình thường và không bị chính trị gây ảnh hưởng tới các quyết định của tòa án” - lãnh đạo Assange nói trước lễ kỷ niệm ngày bị “giam lỏng” diễn ra vào thứ Tư.

Assange đã bị bắt ở London vào ngày 7/12/2010 theo một lệnh bắt của Thụy Điển, do phạm tội tấn công tình dục 2 phụ nữ.

Người đàn ông 41 tuổi đã bác bỏ các cáo buộc, nói rằng anh bị bắt vì công bố thông tin tối mật của Mỹ lên trang web Wikileaks.

Anh đã có 10 ngày bị giam và 590 ngày bị quản thúc tại một ngôi nhà ở Anh trong khi chống lại lệnh dẫn độ ở tòa án.

Khi thua cuộc, anh đã tránh việc bị dẫn độ bằng cách xin tị nạn ở đại sứ quán Ecuador. Tuy nhiên Anh đã không cho phép anh ra khỏi sứ quán an toàn mà không bị bắt, nên anh vẫn ở trong sứ quán.

Ngày hôm nay nỗi sợ lớn nhất của Assange vẫn là bị dẫn độ sang Mỹ, nơi anh có thể bị khởi tố vì công bố các tài liệu ngoại giao và quân sự mật.

[Đám phán về vụ Julian Assange không đạt tiến triển]


Ngay cả khi Thụy Điển từ bỏ cáo buộc tấn công tình dục, Assange nói rằng anh vẫn ở trong sứ quán để tránh việc bị giao cho Washington, nơi vẫn muốn “báo thù” anh.

"Nếu tôi bước ra khỏi cánh cửa này, tôi sẽ bị bắt ngay. Quan điểm mạnh mẽ của các luật sư của tôi là đã có những lời buộc tội chắc chắn do một tòa án thông qua” - anh nói với AFP và vài phóng viên khác tại tòa đại sứ quán - “Ít khả năng Thụy Điển và Anh sẽ công khai từ chối với Mỹ về vấn đề này (bắt giữ và dẫn độ).”

Mặc dù về lý thuyết, Assange có thể đưa vụ việc của anh lên Tòa án Quốc tế, sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết xong.

Khi lần đầu bước vào tòa nhà của đại sứ quán Ecuador nằm gần cửa hàng bách hóa Harrods vào ngày 19/6 năm ngoái, Assange nghĩ rằng anh sẽ ở lại đây từ 6 tháng tới 2 năm. Anh cho biết giờ vẫn giữ quan điểm này.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí, Assange trông xanh xao. Điều này xảy ra một phần do da anh đã hơi xanh và do anh ở trong nhà quá lâu. Anh thường nhắm mắt khi tìm đáp án cho các câu trả lời.

Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador Ricardo Patino, người đã thức để nói chuyện với Assange tới 4h30 phút sáng trong một cuộc viếng thăm diễn ra hôm Chủ Nhật, nói rằng tinh thần chiến đấu của anh vẫn rất cao.

"Anh ấy nói rằng bản thân đủ khỏe để ở lại trong sứ quán của chúng tôi trong ít nhất 5 năm nếu anh không được đảm bảo để có thể ra khỏi sứ quán an toàn” - ông Patino nói.

Patino nói sau một cuộc họp với người đồng cấp Anh William Hague diễn ra hôm thứ Hai để cố giải quyết tình hình của Assange. Tuy nhiên đôi bên đã không đạt được sự đột phá nào. Đôi bên chỉ cam kết sẽ đưa thêm nhiều luật sư vào cuộc.

Patino bày tỏ hy vọng Assange sẽ “không già đi và chết tại sứ quán Ecuador.”

Bản thân Assange nói rằng vụ việc của anh hoàn toàn có thể được giải quyết nhanh chóng, nhưng vấn đề lệ thuộc vào Anh, Mỹ và Thụy Điển.

Anh nói rằng đã có những tình huống như thế này tồn tại, ví dụ vụ Hồng y Hungary Jozsef Mindszenty, người có 15 năm sống trong sứ quán Mỹ ở Budapest từ năm 1956-1971.

Patino đã mô tả tình hình của Assange là “bất công,” nhưng ông nói rằng vấn đề không thể giải quyết thông qua việc Ecuador tìm cách bí mật chuyển anh ra khỏi sứ quán thông qua cống ngầm hoặc trong cốp xe hơi.

"Anh ấy sẽ ra bằng cửa trước, tới đất nước chúng tôi, tới với sự tự do” - ông nói.

Assange đã tính toán rằng mỗi ngày anh ở trong tòa đại sứ quán có thể khiến người đóng thuế Anh phải trả 11.000 bảng (17.000 USD) chi phí an ninh.

Trong khi chờ đợi, anh thoải mái tiếp tục công việc của WikiLeaks và công việc của những người hùng khác như Edward Snowden, nhân vật mới làm lộ ra chương trình giám sát Prism của tình báo Mỹ.

Anh có nhắc tới việc Anh đã cấm các hãng hàng không cho Snowden tới nước này. “Vì sao? Có thể vì Anh không muốn phải xử lý thêm một Assange khác” - anh nói./.

Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục