Assange đưa cuộc chiến dẫn độ lên tòa tối cao Anh

Luật sư của Assenge cho rằng việc công tố viên Thụy Điển ban hành lệnh dẫn độ ông tư Anh sang Thụy Điển là không đúng luật.
Theo AFP, ngày 2/2, thủ lĩnh WikiLeaks Julian Assange đã đưa cuộc chiến dẫn độ của ông lên Tòa án Tối cao Anh, với lý do việc đưa ông sang Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc hiếp dâm sẽ vi phạm một số nguyên tắc pháp lý đã được hình thành từ 1.500 năm trước. Người đàn ông 40 tuổi, quốc tịch Australia đang nỗ lực vật lộn với hệ thống pháp luật Anh dựa trên một điểm kỹ thuật, đó là công tố viên Thụy Điển, người ra lệnh bắt ông hồi tháng 12/2010 không có quyền phù hợp. Các luật sư của Assange đã trích một số tài liệu tham khảo Latin và thảo luận về hệ thống pháp luật của một loạt nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Ireland và Hà Lan khi họ cố gắng thuyết phục bồi thẩm đoàn gồm 7 người. Luật sư chính Dinah Rose của Assange nói với tòa: "Đơn kháng án này có liên quan tới một khía cạnh trong luật, với nội dung tương đối đơn giản. Câu hỏi đặt ra là liệu công tố viên người Thụy Điển có quyền ban hành một lệnh dẫn độ hay không?" Tòa án London đang xem xét lá đơn của Assange trong 2 ngày qua, sau khi thấy rằng nó có những điểm hợp lý. Họ có thể sẽ đảo ngược phán quyết và công bố nội dung phiên xử trong vài tuần. Hàng chục người ủng hộ Assange đã xuất hiện trước tòa để được nhìn thấy ông. Assange đã trở nên nổi tiếng kể từ khi trang web của ông khiến Washington phẫn nộ khi đăng tải hàng ngàn tài liệu mật của Mỹ. Rose nói trước tòa rằng bà đang nói tới một "nền tảng tự nhiên của pháp luật," liên quan tới định nghĩa vai trò của một thẩm phán đã được hoàng đế Byzantine Justinian đưa ra cách đây 1.500 năm. Rose nói rằng không có gì để đảm bảo rằng một công tố viên lại có quyền độc lập và ngang bằng với một thẩm phán. Bà chỉ ra rằng một công tố viên ban lệnh dẫn độ là "vi phạm nghiêm trọng tự do cá nhân." Nhưng luật sư cho nhà chức trách Thụy Điển, Clare Montgomery, đã kêu gọi các thẩm phán bác bỏ đơn kháng án của Assange. Bà nói rằng trong Hệ thống lệnh bắt hoạt động nhanh của Châu Âu, trong đó Thụy Điển dựa vào để yêu cầu dẫn độ Assange, từ "quyền tòa án" có định nghĩa rộng, trong đó những người có quyền này không nhất thiết phải là thẩm phán. Assange đã không nói gì trong phiên xử. Bao quanh ông là các luật sư, gồm cả luật sư nổi tiếng Gareth Peirce. Phía sau lưng ông là những người ủng hộ như Vaughan Smith, người cho ông ở nhờ trong tư gia tại phía Đông nước Anh. Nếu tòa án bác bỏ đơn kháng án, Assange coi như đã hết sạch các cơ hội ở Anh, nhưng ông vẫn có thể đâm đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) trong nỗ lực cuối cùng. Nhưng nếu Assange thắng trong vụ kiện này, người ta sẽ phải xem xét lại toàn thể Hệ thống lệnh bắt của châu Âu.
Assange đưa cuộc chiến dẫn độ lên tòa tối cao Anh ảnh 1
Những người ủng hộ Assenge trước tòa (Nguồn: AFP)

Assange đã bác bỏ các cáo buộc hiếp dâm và tấn công tình dục do hai phụ nữ Thụy Điển đưa ra, nói rằng đôi bên quan hệ tự nguyện. Ông cũng nói rằng các cáo buộc chống lại mình có động cơ chính trị và việc dẫn độ sang Thụy Điển có thể khiến ông bị giao nộp lại cho Mỹ. Khi cuộc chiến pháp lý kéo dài, Assange càng trở nên nổi tiếng. Ông đã có chương trình đối thoại riêng trên truyền hình và sẽ xuất hiện vào cuối tháng này tại show hoạt hình nổi tiếng Simpsons ở Mỹ. Cho tới nay, đài RT của Nga là kênh truyền hình duy nhất xác nhận sẽ phát các buổi đối thoại của Assange trên sóng của họ./.
Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục