Chiều 8/9, với vai trò Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2021-2024, Kiểm toán Nhà nước Vương quốc Thái Lan đã chủ trì Hội nghị chuyên đề lần thứ 8 với chủ đề "ASOSAI và trạng thái bình thường mới - Năng lực phục hồi giữa những thách thức."
Đoàn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn tham dự tại điểm cầu Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch ASOSAI 15 Chanathap Indamra cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) hiểu rõ hơn tầm quan trọng của sự kết nối giữa các thành viên để liên tục phát triển, nhằm thích nghi với tình hình mới.
[ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024: Chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới]
Bốn tiểu chủ đề được đưa ra nghị sự tại Hội nghị chuyên đề 8 sẽ có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch chiến lược của ASOSAI 2022-2027, đồng thời đưa ra được một bức tranh tổng thể trong hoạt động của ASOSAI trong tương lai.
Ông Chanathap Indamra cảm ơn sự tham gia tích cực của các SAI thông qua các bài tham luận được gửi tới hội nghị, đồng thời khẳng định: kiến thức được chia sẻ tại hội nghị sẽ thực sự hữu ích trong việc xây dựng các khuôn khổ kiểm toán cho các SAI thành viên, theo đúng phương châm của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) là “Kinh nghiệm chung hữu ích cho tất cả.”
"ASOSAI và trạng thái bình thường mới: Năng lực phục hồi giữa những thách thức” là chủ đề chung của Tuyên bố Bangkok với 4 tiểu chủ đề: SAI và việc thúc đẩy quản trị tốt trong trạng thái bình thường mới; nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công; ứng phó của SAI với thiên tai và đại dịch.
Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề lần thứ 8, Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 15, Nhóm công tác về công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do ông Phan Trường Giang, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, Trưởng nhóm đã tham dự cuộc họp về tiểu chủ đề 3: tối ưu hóa công nghệ trong thực hiện kiểm toán công.
Tại tham luận về “Thực trạng, yêu cầu và triển khai kiểm toán công nghệ thông tin Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” đại diện Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này với các thành tựu tạo nên các xu hướng công nghệ nổi trội, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kiểm toán.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống công nghệ thông tin bao gồm phần cứng, phần mềm và dữ liệu của các cơ quan công quyền là tài sản công, hình thành từ nguồn tài chính công. Các dịch vụ hành chính công vận hành trên các hệ thống công nghệ công tin và chịu sự kiểm soát của hệ thống kiểm soát liên quan đều là các đối tượng cần được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến các thông tin tài chính.
Dự kiến đến năm 2021,Việt Nam sẽ hoàn thành 6 cơ sở dữ liệu quốc gia chính, với hơn 103 hệ thống thông tin quốc gia. Đây là các tài nguyên số cần được khai thác trong hoạt động kiểm toán thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Kiểm toán Nhà nước.
Các cơ quan nhà nước sở hữu dữ liệu sẵn sàng chia sẻ của bản thân hay tiếp nhận từ tổ chức, cá nhân khác đều phải có trách nhiệm cung cấp cho Kiểm toán Nhà nước.
Thông qua các hoạt động kiểm toán, lưu trữ hồ sơ, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nội bộ, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đang có một kho dữ liệu khổng lồ tích lũy qua nhiều năm. Các kho dữ liệu thô đó cần được tổ chức sắp xếp tự động, phục vụ công tác kiểm toán.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đang từng bước tiến hành kiểm toán các hệ thống công nghệ thông tin và các cơ sở dữ liệu quốc gia tại các ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đạt được một số kết quả.
Với định hướng triển khai hoạt động kiểm toán công nghệ thông tin trong tương lai, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam xác định một số hoạt động chính, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ sở pháp luật, hướng dẫn chi tiết cách thức kiểm toán công nghệ thông tin đặt trọng tâm vào các tài nguyên số công; tiến hành khảo sát sơ bộ hệ thống tài nguyên số công hằng năm và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên số công làm trọng tâm để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán chuyên ngành, trong đó đặt trọng tâm vào các loại dữ liệu sẵn sàng chia sẻ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia...
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam xác định cần tiến hành kiểm toán định kỳ đối với các hệ thống công nghệ thông tin tài chính quốc gia. Các cuộc kiểm toán công nghệ thông tin có thể tiến hành độc lập hoặc lồng ghép với các cuộc kiểm toán khác. Quá trình tiến hành lồng ghép cần coi trọng việc chuyển giao công nghệ kiểm toán công nghệ thông tin cho các đơn vị trong ngành./.