ASIAD 2018: Hai nửa buồn vui của Thể thao Việt Nam

Thất bại bắt nguồn từ việc đánh giá chưa chính xác năng lực của vận động viên, sai số trong công tác dự báo đối thủ của những người làm chuyên môn.
Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD 2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thể thao Việt Nam đã kết thúc chiến dịch ASIAD 2018, giành được bốn Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng vượt chỉ tiêu giành tối thiểu 3 Huy chương Vàng đề ra trước ngày lên đường và xếp thứ 17/45 đoàn thể thao trên bảng tổng sắp huy chương.

Dưới góc độ chuyên môn, các tuyển thủ thể thao Việt Nam đã tạo nên những cột mốc lịch sử ở một số cuộc thi đấu để đem lại sự hứng khởi và tự hào cho đông đảo người hâm mộ nước nhà.

Nhưng niềm vui này chưa thực sự trọn vẹn bởi không ít các thành tích ở nhiều môn trọng điểm chưa đáp ứng được mong đợi sau các cuộc tranh tài tại đại hội.

Cột mốc lịch sử của bóng đá, điền kinh, rowing và bơi

Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng nội dung nhảy xa nữ môn điền kinh. Rowing giành Huy chương Vàng nội dung thuyền 4 nữ chèo đôi hạng nhẹ. "Kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng giành Huy chương Bạc nội dung 1.500m tự do môn bơi. Đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào tốp 4 đội bóng hàng đầu của ASIAD. Đó là những cột mốc đáng nhớ của đoàn Thể thao Việt Nam trong suốt lịch sử tham dự sân chơi lớn nhất của thể thao châu lục.

Và cùng với hai tấm Huy chương Vàng từ môn võ thế mạnh Pencak Silat, đã giúp đoàn Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu về số Huy chương Vàng đề ra trước ngày lên đường.

[Các võ sỹ Pencak Silat trải lòng sau khi giành huy chương vàng]

Nhìn tổng thể, đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và đạt được các mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chinh phục ASIAD kể từ sau thành công ở hai kỳ SEA Games và một kỳ Olympic gần đây.

Những thành tích nổi bật nói trên đã tô điểm cho bức tranh toàn cảnh của Thể thao Việt Nam nhìn từ ASIAD 2018 trở nên tươi sáng hơn so với các lần tham dự đại hội trước đây. Hay nói một cách khác, nó phản ánh nhiều khác biệt sự tiến bộ về chuyên môn để tạo nên đột phá về thành tích trong thi đấu ở các môn thể thao Olympic, điều mà Thể thao Việt Nam bấy lâu nay vẫn luôn khát khao chinh phục nhưng chưa làm được hoặc chưa làm tốt trước đây.

Những thành công này dù chưa nhiều về số lượng, song nó cũng là điều rất đáng ghi nhận bởi nó là thành quả của quá trình dài chuẩn bị lực lượng, công tác chuẩn bị chuyên môn được thực hiện bài bản, có chiều sâu chứ không phải do may mắn hoặc từ trên trời rơi xuống.

Nỗi buồn từ tám môn trọng điểm

Đoàn Thể thao Việt Nam mang tới ASIAD 2018 lực lượng hùng hậu nhất từ trước tới nay với 523 thành viên, trong đó có 352 vận động viên, tham gia thi đấu ở 32 môn thể thao trong chương trình thi đấu. Những con số này cũng là kỷ lục về số lượng trong lịch sử tham dự sân chơi châu lục của Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên Thể thao Việt Nam giành được tổng số 38 huy chương các loại ở 13 môn thể thao cho thấy, mang đến nhiều vận động viên không đồng nghĩa với việc có thể tạo nên đột phá về số lượng huy chương giành được nếu như so sánh với 36 huy chương của 200 vận động viên dự ASIAD 17.

Thậm chí, điều này có thể cảm nhận một cách rõ rệt hơn thông qua những thành tích không như mong đợi của các vận động viên được đầu tư theo diện trọng tâm, trọng điểm.

Thất bại của sáu niềm hy vọng như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Thị Ngoan (Karate), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo) hay hai trường hợp chưa đáp ứng được kỳ vọng như lực sĩ Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Dương Thúy Vi (Wushu) cũng phản ánh những hạn chế và bất cập trong quá trình chuẩn bị và thi đấu.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thi đấu nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại ASIAD 2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thất bại bắt nguồn từ việc đánh giá chưa chính xác năng lực của vận động viên, sai số trong công tác dự báo đối thủ của những người làm chuyên môn. Bên cạnh đó, bản thân các tuyển thủ bị áp lực tâm lý, quá trình tập huấn còn ít nhiều bất cập... dẫn đến ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đấu.

Chúng ta chia sẻ và cảm thông với cá nhân các tuyển thủ bởi họ đã nỗ lực hết mình trong hành trình tại ASIAD, cũng như việc không đổ lỗi cho bất cứ cá nhân nào sau mỗi thất bại. Dù vậy, nguyên nhân dẫn đến thất bại cần được ngành thể chỉ rõ, mổ xẻ kỹ lưỡng và thẳng thắn nhìn nhận nhằm rút ra bài học cho các lần chuẩn bị cho các đại hội thể thao quốc tế lớn tới đây.


Hướng đến tương lai

Các cuộc thi đấu tại ASIAD 2018 đã khép lại, Thể thao Việt Nam có thể vui mừng với những thành tích đạt được, bên cạnh nỗi buồn qua các thành tích không như mong muốn ở đấu trường lớn nhất châu lục.

Nói một cách khác, Thể thao Việt Nam đã biết mình đang ở đâu trên bản đồ thể thao châu lục sau nhiều năm chúng ta có dấu hiệu hài lòng khi thường xuyên có được một vị trí trong tốp 3 ở khu vực.

Tuy nhiên, về tổng thể, bước đà mang tên ASIAD 2018 với những cột mốc lịch sử về thành tích đang đem đến sự tự tin và nguồn cảm hứng cho những người làm công tác thể thao trong việc xây dựng chiến lược phát triển dưới sự cổ vũ, động viên và tiếp sức của đông đảo người hâm mộ nước nhà. Nó cũng chỉ rõ sự đúng đắn và hiệu quả bước đầu của chiến lược đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm để nâng tầm trình độ vận động viên ở các môn thể thao mũi nhọn.

Đây là yếu tố hết sức quan trọng, bởi thành tích của Thể thao Việt Nam ở đấu trường ASIAD sẽ đặt nền móng cho nhiều quyết định sau này, đặc biệt trong việc xây dựng kế hoạch chinh phục các đấu trường lớn như ASIAD, Olympic.

Cần phải có rất nhiều điều chỉnh và kể cả sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức thực hiện trong công tác đầu tư cho các môn trọng điểm, các vận động viên trọng điểm từ phía ngành thể thao sau ASIAD 2018 trong bối cảnh nguồn lực tài chính, điều kiện cơ sở vật chất, ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc y tế, dinh dưỡng của Thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế.

“Thể thao Việt Nam cần tiếp tục được sàng lọc và phân loại trình độ vận động viên để đầu tư chọn lọc. Nếu dàn trải sẽ không tạo được đột phá về thành tích tại ASIAD hay Olympic,” xin được mượn lời Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn để khép lại kỳ ASIAD này. Thành công hay thất bại cũng đã đều ở lại phía sau. Quan trọng là chúng ta sẽ hướng đến tương lai với một tâm thế và sự chuẩn bị như thế nào để vươn tới những đỉnh cao mới.

Thể thao Việt Nam có thể tự hào với bước tiến mới nhưng cũng đừng quên những thất bại vì thất bại sẽ giúp Thể thao Việt Nam nhìn nhận và cần phải làm gì cho tương lai!./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục