ASEM 13: Malaysia mong hỗ trợ chương trình phát triển xanh, bền vững

Theo Thủ tướng Ismail Sabri, việc thúc đẩy một chương trình nghị sự về tăng trưởng xanh là cần thiết để đạt được sự trao quyền về kinh tế, tính bền vững về môi trường và hòa nhập xã hội.
ASEM 13: Malaysia mong hỗ trợ chương trình phát triển xanh, bền vững ảnh 1Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 25/11, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã bày tỏ mong muốn các quốc gia phát triển ủng hộ và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, cũng như chuyển giao công nghệ cho các nước đối tác ASEM đang phát triển nhằm thúc đẩy quá trình phát triển xanh và bền vững.

Theo Thủ tướng Ismail Sabri, việc thúc đẩy một chương trình nghị sự về tăng trưởng xanh là cần thiết để đạt được sự trao quyền về kinh tế, tính bền vững về môi trường và hòa nhập xã hội.

Theo ông, với trọng tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” các nước thành viên ASEM cần tăng cường các sáng kiến về Mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, trong đó có việc nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp địa phương.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Malaysia khuyến nghị cần lồng ghép tính bền vững và tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang hệ sinh thái xanh hơn.

[Khai mạc ASEM 13: Hướng tới sự thịnh vượng bền vững được chia sẻ]

Theo Thủ tướng Ismail Sabri, nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, Malaysia hiện đang phối hợp với một số đối tác ASEM, trong đó có Singapore và Indonesia để thiết lập Luồng Du lịch dành cho người đã hoàn thành việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ông nhấn mạnh việc đi lại của người dân giữa các quốc gia sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, phục hồi sinh kế.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cũng đã tham dự ASEM lần thứ 13.

Theo kế hoạch, tại cuộc họp chính thức ngày 26/11, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum sẽ tham dự phiên họp thứ hai về “Phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội hậu COVID-19,” trong đó nêu rõ quyết tâm của Hàn Quốc trong việc giải quyết các thách thức và bài toán toàn cầu như cung cấp vaccine nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và đối phó với biến đổi khí hậu.

Trong phiên họp khác cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc dự kiến sẽ trình bày về tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đưa ra thông điệp kêu gọi các nhà lãnh đạo hợp tác để đưa Triều Tiên nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán.

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Phó Tổng thống nước này Venkaiah Naidu sẽ dẫn đầu đoàn Ấn Độ tham dự ASEM lần thứ 13.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Phó Tổng thống Naidu sẽ tham dự một số phiên họp, trao đổi quan điểm về các lĩnh vực, trong đó có chủ nghĩa đa phương, chống đại dịch và phục hồi sau đại dịch, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, SDG.

Hội nghị cấp cao ASEM 13 dự kiến sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Chủ tịch về Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung, Tuyên bố Phnom Penh về COVID-19 và phục hồi kinh tế, và Định hướng hợp tác về kết nối ASEM.

Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) chính thức được thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 1/3/1996 tại Bangkok, Thái Lan.

Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Từ khi ra đời đến nay, ASEM đã tăng gấp đôi số lượng thành viên ban đầu, từ 26 lên 53 (gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Ban Thư ký ASEAN và Ủy ban châu Âu).

Qua 5 lần mở rộng, ASEM giờ đây chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu.

ASEM có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), 4 nước trong Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục