ASEAN và kế hoạch nhất thể hóa thị trường du lịch đầy tham vọng

Hiệp hội du lịch các nước thành viên ASEAN cùng khởi xướng hoạt động “ASEAN vì ASEAN,” nhằm mở rộng thị trường du lịch nội khối, xây dựng ý thức thương hiệu du lịch ASEAN.
ASEAN và kế hoạch nhất thể hóa thị trường du lịch đầy tham vọng ảnh 1Khách du lịch tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mới đây tại thủ đô Manila của Philippines, Bộ trưởng Du lịch 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua “Quy hoạch chiến lược du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025.”

Quy hoạch này đã xác định lộ trình nhất thể hóa thị trường du lịch ASEAN trong 10 năm tới.

Theo “Lộ trình nhất thể hóa kinh tế ASEAN,” Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ thực hiện các mục tiêu xây dựng thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; đưa ASEAN trở thành khu vực có sức cạnh tranh kinh tế; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế; hội nhập tốt hơn vào tiến trình toàn cầu hóa kinh tế.

Về thúc đẩy xây dựng nhất thể hóa thị trường du lịch, các nước ASEAN đề xuất ý tưởng phát triển “cạnh tranh và hội nhập,” Bộ trưởng Du lịch Philippines Ramon R.Jimenez cho biết: “Kinh nghiệm chứng minh cạnh traanh sẽ có lợi cho phát triển. Chúng ta thúc đẩy du lịch đối ngoại vừa với tư cách một quốc gia, cũng với tư cách cả khu vực.”

Các nước còn tập trung thúc đẩy tăng trưởng du lịch trong nội khối trong khi ra sức quảng bá đối ngoại về du lịch ASEAN. Vì vậy, Hiệp hội du lịch các nước thành viên ASEAN đã cùng khởi xướng hoạt động “ASEAN vì ASEAN,” nhằm mở rộng thị trường du lịch nội khối, xây dựng ý thức thương hiệu du lịch ASEAN.

Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Đông Á-ASEAN Trần Lộ Dung cho rằng, trước mắt những trở ngại trong việc thực hiện nhất thể hóa thị trường du lịch của ASEAN không đáng kể, có thể cho hiệu quả mẫu mực trong nhất thể hóa kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó ngành du lịch có hiệu ứng lan tỏa rất lớn, phát triển nhất thể hóa thị trường du lịch sẽ góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành dịch vụ xuyên quốc gia, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của khu vực trong chuỗi ngành nghề toàn cầu.

Mặc dù các nước ASEAN có nhận thức rõ nét và nguyện vọng mạnh mẽ đối với điểm đến du lịch thống nhất cũng như nhất thể hóa thị trường du lịch, nhưng do trình độ phát triển giữa các nước ASEAN có khoảng cách rất lớn, kết nối về cơ sở hạ tầng và thông tin vẫn cần được hoàn thiện, tiến trình nhất thể hóa vẫn đòi hỏi thời gian.

Một mặt, nhất thể hóa thị trường du lịch liên quan đến nhiều nước, nhiều bộ ngành và nhiều lĩnh vực, bởi vậy đòi hỏi thành lập cơ quan thường trực để tiến hành điều phối chung.

Mặt khác, về bình diện kỹ thuật, do trình độ phát triển của các nước khác nhau, năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch cũng không giống nhau, đặc biệt vẫn cần phải hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, tăng cường năng lực kết nối, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nhất thể hóa.

Ông Trần Lộ Dung còn cho rằng, hiện nay đội quân chủ lực trong ngành du lịch của các nước ASEAN vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các doanh nghiệp này mà nói, nhất thể hóa thị trường vừa là cơ hội, cũng là thách thức.

Do khả năng phòng chống rủi ro có hạn, việc bảo đảm trụ vững được và thực hiện phát triển trong sự cạnh tranh khu vực rất quyết liệt sẽ là thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ này, điều này cũng liên quan trực tiếp với sự phát triển tổng thể của ngành du lịch ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục