Mười nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Phát biểu ngày 21/9 với báo giới tại thủ đô Manila của Philippines sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên biên giới lần thứ 11 (AMMTC) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đặc biệt về sự nổi lên của cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực (SAMMRRVE), Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Catalino Cuy cho biết các bộ trưởng đều thừa nhận rằng "chủ nghĩa cực đoan bạo lực là mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng," và nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn trong các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, bao gồm chia sẻ thông tin, trao đổi các kinh nghiệm, huấn luyện, xây dựng các năng lực và chia sẻ các nguồn lực.
Tại các hội nghị trên, các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng kết thúc chiến dịch vây hãm các phần tử khủng bố ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines, do lo ngại chúng có thể tràn sang các nước láng giềng châu Á.
Các nước đối tác đối thoại của ASEAN đang theo dõi sát tình hình và bày tỏ lo ngại khi tình hình tại Marawi kéo sang tháng thứ tư cũng như khả năng có công dân nước mình dính líu đến cuộc xung đột này. Bộ trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ hy vọng chiến sự tại Marawi sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất.
["ASEAN cần hợp tác để tạo ra một nền tảng an ninh mạng an toàn"]
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đã nhất trí giám sát sự di chuyển của các nhóm nghi là khủng bố nước ngoài đang có ý định xâm nhập khu vực này, bao gồm giám sát các giao dịch tài chính khả nghi. Các bộ trưởng đã thể hiện "cam kết mạnh" cùng nhau giải quyết các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực bằng việc thông qua hai văn kiện quan trọng - gồm Tuyên bố Manila về chống lại sự nổi lên của cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, và Kế hoạch Hành động tổng thể ASEAN về chống chủ nghĩa khủng bố - nhằm đối phó với các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Về tội phạm mạng, các bộ trưởng đã ủng hộ Tuyên bố ASEAN về phòng và chống tội phạm mạng, trong đó bao gồm các biện pháp như thừa nhận tầm quan trọng của việc phối hợp hài hòa hệ thống luật pháp giữa các nước liên quan đến tội phạm mạng và bằng chứng điện tử, và khuyến khích các nước thành viên ASEAN nghiên cứu tính khả thi của việc tiếp cận các công cụ khu vực và quốc tế hiện có trong cuộc chiến chống tội phạm mạng.
Các bộ trưởng đã thông qua các tiêu chuẩn tham khảo của AMMTC nhằm tạo điều kiện cho phối hợp và hợp tác khu vực trong phòng chống tội phạm xuyên biên giới, trong đó có buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy, buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, rửa tiền, hải tặc, tội phạm mạng, tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường, đánh cắp sở hữu trí tuệ, và buôn lậu các tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật./.