ASEAN ưu tiên thực hiện chương trình về phụ nữ, hòa bình và an ninh

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định ASEAN cam kết bảo đảm bình đẳng giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ, coi đó là thành phần quan trọng trong bảo đảm an ninh và thịnh vượng bền vững của khu vực.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, thay mặt ASEAN phát biểu tại cuộc thảo luận. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 25/10, tại thành phố New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Từ lý thuyết đến thực tiễn” với sự tham dự và phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đại diện một số tổ chức quốc tế liên quan và hơn 90 quốc gia thành viên, trong đó có nhiều bộ trưởng và quan chức cấp cao.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đạt được tiến bộ đáng kể từ khi thông qua Nghị quyết 1325 (năm 2000) của Hội đồng Bảo an nhưng vẫn còn khoảng trống trong quá trình triển khai chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Do đó, Liên hợp quốc và các nước thành viên cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm các quyền của phụ nữ. Sự tham gia đóng góp, bảo đảm các quyền phụ nữ cần được đặt là trung tâm của các nỗ lực hòa bình và an ninh.

Phát biểu thay mặt cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh Nghị quyết 1325 cùng các nghị quyết liên quan sau đó của Hội đồng Bảo an là nền tảng quan trọng của chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, góp phần bảo đảm sự tham gia đầy đủ và tích cực của phụ nữ đối với các nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh bền vững.

Mặc dù vậy, phụ nữ tiếp tục đối mặt với trình trạng phân biệt đối xử về giới, bị cản trở tham gia thương lượng hòa bình và các quá trình ra quyết sách, đồng thời tiếp tục là nạn nhân của bạo lực và xung đột. 

Để giải quyết các thách thức này, đại diện của Việt Nam và ASEAN cho rằng cần có cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan trong việc thực hiện chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, cần đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho những nỗ lực này để phụ nữ có thể phát huy vai trò làm chủ của mình.

Phụ nữ không chỉ được đề cập trong những con số thống kê về xung đột mà còn là chất xúc tác cho sự thay đổi và "kiến trúc sư" của hòa bình và hòa giải.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định ASEAN cam kết bảo đảm bình đẳng giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ, coi việc thực hiện chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh là thành phần quan trọng trong bảo đảm an ninh và thịnh vượng bền vững của khu vực.

Kể từ khi thông qua Tuyên bố chung 2017 về thúc đẩy chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều mặt trong lĩnh vực này.

Đại sứ cũng khẳng định ở cấp độ quốc gia, các nước thành viên ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có việc điều động thêm cán bộ, sỹ quan nữ tham gia hoạt động tại các Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, ban hành chính sách và pháp luật ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh liên quan đến xung đột.

ASEAN khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, phối hợp với Liên hợp quốc và các đối tác về chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh để đem lại những thay đổi có ý nghĩa trong chính sách và trên thực tế.

[Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ tham gia gìn giữ hòa bình lên 20%]

Bên lề thảo luận mở, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã có cuộc gặp bà Jacquelines O’Neil, Đại sứ Canada về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Hai bên đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong việc thực hiện chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Nhân dịp này, Đại sứ cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ của Canada dành cho Việt Nam trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Nghị quyết 1325 năm 2000 của Hội đồng Bảo an là dấu ấn ghi nhận tầm quan trọng về vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong các nỗ lực vì hòa bình và an ninh.

Nghị quyết kêu gọi tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các nỗ lực giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình ở tất cả các cấp độ, cũng như bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực giới trong xung đột.

Kể từ đó đến nay, Phụ nữ, Hòa bình và An ninh là nghị sự quan trọng của Hội đồng Bảo an với việc thông qua 10 nghị quyết về chủ đề này.

Phụ nữ, Hòa bình và An ninh là chủ đề mà Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất trong cả hai nhiệm kỳ đảm nhiệm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2008-2009 và 2020-2021.

Tháng 12/2020, Việt Nam chủ trì Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, thông qua Cam kết Hành động Hà Nội, trong đó việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và tái thiết sau xung đột là một trong những mục tiêu chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục