ASEAN-Trung Quốc: Vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững

Các nước ASEAN mong muốn Trung Quốc với khả năng và tiềm lực của mình sẽ giúp các nước ASEAN sớm vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
ASEAN-Trung Quốc: Vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững ảnh 1Chủ Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến, tại Bắc Kinh, ngày 22/11. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Trung Quốc diễn ra ngày 22/11 và thành công tốt đẹp.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam đã trao đổi với báo chí về ý nghĩa, kết quả cũng như sự tham gia đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị này.

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả của Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Trung Quốc?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Chỉ ít tuần sau Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 cuối tháng 10/2021 với sự tham dự và đồng chủ trì của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, đã diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc vào sáng 22/11/2021, với sự tham dự và đồng chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này đã cho thấy ý nghĩa hết sức quan trọng của Hội nghị cấp cao đặc biệt lần này cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc trong suốt 30 năm qua.

Có thể nói, kết quả lớn nhất của Hội nghị là việc các lãnh đạo hai bên đã chính thức công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc, đồng thời thống nhất về nội hàm, những định hướng thúc đẩy mối quan hệ này để tương xứng với tầm vóc chiến lược và toàn diện trong thời gian tới. Đây là kết quả mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của mối quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo đó, các Lãnh đạo hai bên đã nhất trí những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác toàn diện, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân, hợp tác phát triển, đồng thời tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực, đẩy mạnh nỗ lực chung cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN với nhiều đề xuất biện pháp cụ thể, nhằm kiểm soát đại dịch và thúc đẩy phục hồi hướng tới phát triển bền vững, đồng thời tiếp tục hỗ trợ ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng 2025. Các nước ASEAN ghi nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc trong ứng phó dịch COVID-19 thời gian qua, đồng thời mong muốn Trung Quốc với khả năng và tiềm lực của mình sẽ giúp các nước ASEAN sớm vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

[ASEAN-Trung Quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định khu vực]

Các lãnh đạo cũng dành thời gian trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, nhất trí cần cùng xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác. Trên cơ sở đó, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; các bên cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc: "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững."

- Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị lần này là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Ngay từ đầu, Việt Nam đã ủng hộ đề xuất của Trung Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc. Đồng thời, trong suốt thời gian qua, chúng ta đã tích cực tham gia vào công tác chuẩn bị cũng như thương lượng để đạt được Tuyên bố chung của Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đóng góp tiếng nói vào việc rà soát, điểm lại các kết quả quan trọng mà quan hệ ASEAN-Trung Quốc đạt được trong suốt 30 năm qua cũng như nêu lên những kỳ vọng cho mối quan hệ này trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí thiết lập là minh chứng cho thành quả hợp tác 30 năm qua, trên cơ sở tin cậy chính trị, hợp tác hữu nghị và toàn diện, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

ASEAN-Trung Quốc: Vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hướng tới tương lai, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược và đẩy mạnh hợp tác toàn diện, nhân lên các thành tựu, hướng tới những mục tiêu cao hơn, những lợi ích rộng hơn cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh thêm những yếu tố cốt lõi trong hợp tác, cụ thể là cùng nhau giữ vững hòa bình, ổn định hợp tác phát triển trong môi trường còn nhiều bất định; phát huy thành quả, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ứng phó hiệu quả với các thách thức mới, mang tính toàn cầu, góp phần phát triển toàn diện, bao trùm, thịnh vượng, an toàn, bền vững cho mỗi bên.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn Trung Quốc phát huy vai trò nước lớn trong khu vực và trên thế giới đóng góp vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề Biển Đông, để mang lại hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định, trên nền tảng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp với Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục nỗ lực góp phần vun đắp cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển đúng tầm mức của Đối tác chiến lược toàn diện, đóng góp quan trọng, củng cố, tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đem lại lợi ích thiết thực, hiệu quả cho mỗi quốc gia và ấm no, hạnh phúc cho người dân, không để ai ở lại phía sau.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục