ASEAN-Trung Quốc nhất trí thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực

ASEAN-Trung Quốc nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, đặc biệt là 4 lĩnh vực ưu tiên của AOIP.
ASEAN-Trung Quốc nhất trí thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc lần thứ 26 diễn ra ngày 6/9 tại Jakarta, hai bên đã nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Trung Quốc, đồng thời nỗ lực vì sự phát triển bền vững thịnh vượng chung của khu vực thông qua hợp tác cùng có lợi nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và vì lợi ích sinh kế của người dân.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, đặc biệt là 4 lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), trong đó hai bên sẽ tăng cường hợp tác hàng hải, bao gồm khuyến khích hợp tác về kinh tế biển xanh; bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển; tìm hiểu các dự án hợp tác về khoa học công nghệ biển và kết nối hàng hải.

Về kết nối, hai bên sẽ thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về phối hợp giữa Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường kết nối khu vực, như cùng nhau thăm dò việc xây dựng các hành lang kinh tế và khu vực trình diễn năng lực hợp tác công nghiệp quốc tế, hỗ trợ xây dựng Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN, đổi mới và kết nối kỹ thuật số, hợp tác phát triển đường sắt chất lượng cao, cùng tăng cường khả năng kết nối và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng khu vực.

Hai bên sẽ hợp tác thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh, tăng cường an ninh lương thực khu vực, thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới, tiến hành đối thoại về biến đổi khí hậu và hỗ trợ thành lập Cơ chế Trung tâm Biến đổi Khí hậu ASEAN và Trung tâm Hợp tác Năng lượng sạch ASEAN-Trung Quốc, hỗ trợ Trung tâm nghiên cứu và đối thoại phát triển bền vững ASEAN (ACSDSD) cũng như Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN.

[Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Trung Quốc tại Indonesia]

Về kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khác, hai bên nhất trí thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về hợp tác hỗ trợ Khung phục hồi toàn diện ASEAN và Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về tăng cường phát triển chung và bền vững, hỗ trợ phục hồi khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, tăng cường hợp tác y tế công cộng, giám sát và cảnh báo sớm rủi ro thiên tai, thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đẩy nhanh đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy phát triển kinh tế số trong khu vực, tăng cường hợp tác thương mại điện tử, trong đó có triển khai Sáng kiến ASEAN-Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác liên quan đến thương mại điện tử, hợp tác phát triển nông nghiệp xanh bền vững và thích ứng, hợp tác về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đối thoại mạng và quản trị kỹ thuật số ASEAN-Trung Quốc, hỗ trợ phát triển ngành du lịch…

Cuối cùng, hai bên hoan nghênh việc chọn năm 2024 là Năm Giao lưu Nhân dân ASEAN-Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên, du lịch và thể thao, đồng thời thúc đẩy giao lưu nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục