ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thời ông Biden

Chuyên gia dự báo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ vẫn giữ vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol ở Washington DC., ngày 20/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) mới đây đăng bài phân tích của tác giả Bilahari Kausikan, cựu Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó dự báo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn giữ vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Cụm từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa như thế nào về mặt chiến lược và ngoại giao tùy thuộc vào góc nhìn của người sử dụng nó. Tuy nhiên, không có gì quan trọng hơn ý nghĩa mà Mỹ đặt cho cụm từ này.

Do đó, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng cụm từ "an toàn và thịnh vượng" thay vì cụm từ "tự do và cởi mở" vốn vẫn được sử dụng nhiều hơn để mô tả về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong các cuộc điện đàm đầu tiên của ông với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ, việc thay đổi cách gọi như vậy đã gây ra không ít quan ngại và khu vực này đang chờ ông làm rõ thêm ý nghĩa của cụm từ đó.

Không nên chú ý quá nhiều về sự thay đổi của các tính từ. Mọi chính quyền mới đều cố gắng tạo ra khác biệt với các chính quyền tiền nhiệm.

Đó là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, sau 4 năm đầy biến động và sau khi xảy ra bạo loạn trên Đồi Capitol, một số người trong chính quyền mới của Tổng thống Biden có thể nghĩ rằng chỉ cần hành xử khác với cựu Tổng thống Trump là đủ.

Tuy nhiên, đó không phải là một chiến lược. Việc đề xuất bổ nhiệm Kurt Campbell, người nổi tiếng và được kính trọng trong toàn khu vực, làm điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ giúp xoa dịu những quan ngại đó.

Ông Kurt Campbell được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lựa chọn làm người phụ trách các vấn đề châu Á. (Nguồn: YouTube)

Việc giải mật và công bố sớm một cách bất thường bản ghi nhớ nội các mang tên "Khung chiến lược của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," một văn bản được soạn thảo hồi năm 2017 và được ông Trump thông qua vào đầu năm 2018 sau khi đã biên soạn đôi chút, là một lời nhắc nhở đáng hoan nghênh rằng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ kế thừa một bản chiến lược mạch lạc, toàn diện và mang tính thực tế.

Việc công bố tài liệu này sẽ xóa tan những lầm tưởng rằng chính quyền của cựu Tổng thống Trump không có chiến lược. Thay vào đó, vấn đề là cựu Tổng thống Trump đã phớt lờ và phá vỡ chiến lược mà các quan chức của ông đã vạch ra.

Các giả định, lợi ích, kết quả mong muốn và các hành động được đề cập trong tài liệu dài 10 trang, trước đây được phân loại là "bí mật - không công bố cho người nước ngoài," đều có giá trị lâu dài và không mang tính đảng phái. Văn bản này không có nội dung nào mà bất kỳ nhà thực thi chính sách đối ngoại có kinh nghiệm nào như Kurt Campbell không chấp nhận. Giờ đây, chính quyền của Tổng thống Biden không cần phải xây dựng lại chiến lược.

Trong bản ghi chép của mình, Cố vấn An ninh Quốc gia khi đó là H.R. McMaster đã nói rõ rằng Mỹ sẽ "áp dụng một cách tiếp cận rõ ràng với Trung Quốc."

Sự đồng thuận của lưỡng đảng trong vấn đề liên quan tới Trung Quốc là di sản lâu dài trong bốn năm dưới thời chính quyền ông Trump.

Đáng chú ý, "các định hướng về nỗ lực" được đề xuất trong tài liệu về khung chiến lược trên bắt đầu với việc nhấn mạnh vào các liên minh và quan hệ đối tác, trong đó Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) đóng vai trò nổi bật.

Ấn Độ cũng được xếp trên Trung Quốc. Theo cựu Tổng thống Trump, đây là những lựa chọn ưu tiên có chủ đích.

Ngay cả khi cựu Tổng thống Trump thường xuyên gây khó khăn trong quá trình thực hiện, các quan chức của chính quyền trước đây nhận thấy rõ ràng rằng việc đối phó với Trung Quốc đòi hỏi sự hợp tác với các đồng minh và bạn bè.

[Ba vấn đề rút ra từ chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Trong chiến lược quốc phòng, các mục tiêu nhằm cản trở Trung Quốc duy trì sự thống trị trên không và trên biển đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và Biển Đông, đồng thời ngầm nhấn mạnh rằng việc bảo tồn vị thế ưu thế của Mỹ phải là một nỗ lực tập thể, trong đó Nhật Bản có vai trò đặc biệt.

Chính quyền mới của Mỹ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề ngoại giao với Trung Quốc.

[Trung Quốc tuyên bố trừng phạt hàng chục cựu quan chức Mỹ]

Mặc dù khẳng định rõ ràng rằng Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc khi "có lợi" nhưng chính quyền Trump vẫn chỉ trích "đường lối ngoại giao trong quá khứ" là "thường rộng lớn, nông cạn và có lợi cho Trung Quốc.”

Cựu quan chức trong chính quyền Trump giải thích rằng khi nhậm chức, họ nhận thấy hầu hết mọi cơ quan đều có thêm nhiều nhân sự dành cho việc thu hút các đối tác Trung Quốc hơn là gặp gỡ các đối tác và bạn bè tiềm năng.

Các hoạt động này thiếu mục tiêu cụ thể hoặc phản tác dụng. Ví dụ, Lầu Năm Góc thậm chí còn đang dạy cho người Trung Quốc cách vận hành tàu sân bay và điều này khiến bộ máy hành chính lưu tâm đến việc tránh xung đột trong quan hệ với Trung Quốc.

Cựu Ngoại trưởng George Shultz đã mô tả ngoại giao như chăm sóc một khu vườn. Đó là sự thật.

Nhưng làm vườn phải có mục đích - để trồng rau hoặc thậm chí chỉ để hàng xóm ghen tỵ với những bông hoa của bạn.

Shultz được cho là đã yêu cầu các đại sứ Mỹ mới được bổ nhiệm chỉ cho mình thấy quốc gia mà họ chịu trách nhiệm trên một quả địa cầu.

Khi họ chỉ vào Chad hoặc Romania hoặc Bangladesh, hay một quốc gia nào khác, ông đã nhắc họ rằng quyết định đó là Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Điểm yếu nhất trong tài liệu về khung chiến lược là những nội dung về Triều Tiên và Đông Nam Á. Đây là những khu vực đã có những bài học quan trọng.

"Việc thuyết phục chế độ Kim Jong-un rằng con đường duy nhất để tồn tại là từ bỏ vũ khí hạt nhân" là bất khả thi.

Tuy nhiên, dù chưa liền mạch, nhưng cựu Tổng thống Trump đã khôi phục uy tín về sức mạnh của Mỹ và do đó, có khả năng răn đe đối với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã đình chỉ việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhưng những tuyên bố gần đây của Kim Jong-un cho thấy rằng ông có thể đang chuẩn bị thăm dò chính quyền của Tổng thống Biden để xem liệu họ có phải là phiên bản Obama 2.0 hay không.

Vai trò trung tâm của ASEAN được coi là "thành phần cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Tuy nhiên, các hành động để đạt được mục tiêu củng cố và thúc đẩy "vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực" chủ yếu vẫn ở mức độ song phương chứ không phải khu vực: làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Mỹ với Singapore, Malaysia, Việt Nam và Indonesia đồng thời củng cố "vị trí lãnh đạo chủ động của Nhật Bản nhằm khuếch đại các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á.”

Rõ ràng, ASEAN đang chứng tỏ giá trị của mình. Điều này không có khả năng thay đổi dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục