ASEAN trao đổi thông tin các sáng kiến liên quan đến phụ nữ, hòa bình

Một vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 là phụ nữ và trẻ em gái là những người chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch, từ y tế, kinh tế, việc làm cho đến các vấn đề về an sinh xã hội...
Phụ nữ ASEAN với tiết mục giới thiệu ẩm thực Việt Nam. (Ảnh minh họa: Lương Tuấn-Vĩnh Hà/Vietnam+)

Trong khuôn khổ hoạt động của Viện Nghiên cứu ASEAN về hòa bình và hòa giải (AIPR), ngày 5/6, tại Hà Nội, cuộc họp trực tuyến của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình, đã tham dự, phát biểu và chủ trì một phiên thảo luận của cuộc họp.

Cuộc họp nhằm thảo luận về các biện pháp triển khai Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017, trao đổi thông tin về các hoạt động, sáng kiến liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh, định hướng thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ-hòa bình-an ninh thời gian tới trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều nhân tố bất ổn.

Cho biết một số nội dung cơ bản của cuộc họp trên, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ, cuộc họp diễn ra sau ba tháng bị gián đoạn do bối cảnh dịch COVID-19. Mục đích chính của cuộc họp là xem xét lại việc thực hiện Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017; đồng thời xác định các đề xuất, sáng kiến mới trong tình hình hiện nay nhằm đóng góp thiết thực cho các nước thành viên và cho phụ nữ trong khu vực.

Một vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 là phụ nữ và trẻ em gái là những người chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch, từ y tế, kinh tế, việc làm cho đến các vấn đề về an sinh xã hội... Với vấn đề này, Nhóm sẽ tiếp tục thảo luận để tìm ra những biện pháp hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái, từ đó, đề xuất một số sáng kiến với các Chính phủ.

[Thúc đẩy hoạt động của Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN]

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Nhóm dự kiến triển khai họp trực tuyến hai lần/năm nhằm duy trì thông tin với các thành viên, gắn kết với các tổ chức ASEAN và khu vực; thảo luận kỹ hơn các nội dung triển khai hoạt động của Nhóm thời gian tới.

Tại cuộc họp, đại diện các nước đã chia sẻ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh triển khai Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh  trong bối cảnh mới, qua đó đóng góp thiết thực vào việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh nói riêng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực nói chung.

Các thành viên của Nhóm đã chia sẻ nhiều hoạt động đã và đang được triển khai ở các nước, cũng như trao đổi về nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, thách thức trong các tiến trình này.

Trong đó, nhiều đánh giá cho rằng mức độ nhận thức về vai trò của phụ nữ đóng góp cho hòa bình và an ninh chưa được đồng đều ở mỗi nước do sự đa dạng về chính sách, cách tiếp cận của mỗi nước, phạm vi rộng, phức tạp của các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống... đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ để thúc đẩy một tầm nhìn và hành động chung của khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Trước tình hình đó, cuộc họp nhất trí cần xây dựng cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, sáng tạo và bền vững về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trên cơ sở xác định các nhu cầu chung của khu vực, các thế mạnh và đóng góp của mỗi nước, tăng cường chia sẻ chính sách, trao đổi tình hình khu vực và quốc tế, thúc đẩy việc triển khai và gắn kết giữa Nghị quyết số 1325 của Liên hợp quốc và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về Phụ nữ với các kế hoạch liên quan ở cấp quốc gia và khu vực, tăng cường liên kết giữa các mạng lưới hoạt động về phụ nữ, đẩy mạnh nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò, ý nghĩa, sự tham gia của phụ nữ trong các khía cạnh của hòa bình và an ninh.

Tại cuộc họp, các đại diện AWPR Việt Nam đã chia sẻ các ưu tiên của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an giai đoạn 2020-2021, trong thúc đẩy hợp tác về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở bình diện khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc triển khai chương trình nghị sự ASEAN về phụ nữ-hòa bình-an ninh cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc do dịch bệnh; đồng thời góp phần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và giải quyết các nguồn gốc của xung đột như đói nghèo, phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, dịch bệnh, các nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, khủng bố…

Chủ trì điều hành phiên trao đổi về xây dựng các biện pháp triển khai Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga phát biểu định hướng trọng tâm thảo luận cuộc họp tập trung vào các lĩnh vực hoạt động ưu tiên mà AWPR có thể triển khai thời gian tới trên cơ sở tận dụng nền tảng công nghệ số, phát huy vai trò phụ nữ trong giáo dục và định hướng giới trẻ về các giá trị hòa bình...; phương hướng mở rộng hợp tác giữa AWPR với các đối tác và các bên liên quan trong khu vực và trên tầm toàn cầu; và củng cố hiệu quả hoạt động của AWPR thông qua việc họp định kỳ và các khóa đào tạo nâng cao năng lực về kỹ năng kiến tạo hòa bình, hòa giải, xây dựng lòng tin...

Nhóm Phụ nữ ASEAN về Hòa bình được thành lập ngày 13/12/2018 tại Philippines, là một trong những sáng kiến nhằm triển khai Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017, với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng hòa bình, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên ở khu vực.

Thành viên của Nhóm gồm đại diện nữ của các nước ASEAN, là các nhà ngoại giao, quan chức/cựu quan chức chính phủ, nhà đàm phán, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, chuyên gia nghiên cứu về hòa bình và hòa giải.

Đại diện Việt Nam tại AWPR gồm Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn Cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC); Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện Việt Nam tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Bình.

Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình được thành lập ngày 13/12/2018 tại Philippines, là một trong những sáng kiến nhằm triển khai Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017, với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng hòa bình, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên ở khu vực.

Thành viên của Nhóm gồm đại diện nữ của các nước ASEAN, là các nhà ngoại giao, quan chức/cựu quan chức chính phủ, nhà đàm phán, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, chuyên gia nghiên cứu về hòa bình và hòa giải…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục